Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Theo đó, trong giai đoạn 2005-2012, cả nước đã đầu tư 468 cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề miễn phí cho khoảng 150.000 lao động nghèo, 60% số lao động này đã tự tạo việc làm hoặc tự tìm được việc. 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đào tạo 12.812 học sinh theo chính sách cử tuyển; gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn với 2,4 triệu hộ thoát nghèo… Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến cũng cho rằng, công tác giảm nghèo thời gian qua vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao.
Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống...
Theo một số đại biểu, nguyên nhân dẫn tới những hạn chế đó là do các chính sách giảm nghèo còn quá dàn trải, nhiều đầu mối, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát giảm bớt đầu mối trong thực hiện chính sách giảm nghèo, tiến hành đầu tư theo trọng điểm, trước mắt ưu tiên những vùng thật sự khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Ngoài ra, mặc dù người nghèo đã thoát nghèo nhưng thực chất họ vẫn rất khó khăn, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch...
Đề cập đến nhóm các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ nên đánh giá toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có giải pháp thiết thực hơn. Trong đó dạy nghề phải gắn với các chương trình dự án cụ thể của từng địa phương, đặc biệt cần tiếp tục có chính sách khuyến khích tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, khuyến khích các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học kỹ thuật trên địa bàn để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm ổn định đời sống nhân dân.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, khi xây dựng chính sách đối với người nghèo cần có sự phân nhóm đối với người nghèo, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho từng loại đối tượng, nhằm phát huy nỗ lực, ý chí tự vươn lên của người dân và huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc giảm nghèo.
Theo một số đại biểu, từ 2010 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời, nguồn vốn của địa phương ủy thác rất thấp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội, đồng thời cần tiếp tục điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo.
Ngoài ra một số đại biểu cũng đề nghịChính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đặc biệt người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng này khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tuyến trong phạm vi địa bàn tỉnh được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Quốc Khang