Đa số ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành để các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc ban hành một số văn bản, hướng dẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là việc soạn thảo, ban hành các văn bản, hướng dẫn của một số các bộ, ngành Trung ương chậm chễ, sai sót, nhiều nội dung quy định chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 46 luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện mới đạt 50% tổng số văn bản phải ban hành. Trong đó, nhiều văn bản, thông tư, hướng dẫn chậm, ban hành kéo dài nhiều năm, nhất là các các lĩnh vực như phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, kê khai tài sản…
Đề nghị, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, thì trong quá trình xây dựng luật cần quy định cụ thể, chi tiết các điều khoản ngay trong luật, tránh tình trạng những vấn đề khó, phức tạp lại giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành.
Có đại biểu kiến nghị nghiên cứu đổi mới kỹ thuật lập pháp theo hướng các quy phạm pháp luật phải trọn vẹn, đổi mới tư duy về làm luật thể hiện qua diễn đạt ngôn ngữ, văn phong, nhất là tăng cường năng lực cho bộ máy của các cơ quan tư pháp, Quốc hội, Chính phủ. Bộ trưởng phải là người đề ra chủ trương, chính sách, chương trình hành động mỗi khóa thay vì lệ thuộc vào bộ máy tham mưu như hiện nay.
Một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc nhiều luật, pháp lệnh khó đi vào cuộc sống một phần do chất lượng các văn bản này còn hạn chế. Kiến nghị Quốc hội cần xem xét lại quy trình xây dựng và ban hành luật theo hướng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi khi thi hành, không nên thành tích trong hoạch định chính sách vì một quy định chưa "chín" sẽ tạo ra nhiều kẽ hở trong điều hành.
Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý các đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, trong đó phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị, đơn vị; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát xem có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo một số đại biểu, trong số hơn 1.700 văn bản được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có trên 200 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung và hiệu lực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Có Bộ, ngành chưa thực hiện đúng theo quy trình như đánh giá tác động; khảo sát, tổng kết thực tiễn; lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản; hoạt động thẩm định… dẫn đến tình trạng "văn bản vội ban hành" rồi "vội phải bãi bỏ".
Đề nghị cơ quan giám sát là Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết.
Một số ý kiến cho rằng, những năm quan công tác đưa pháp luật vào cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế, pháp luật được thực thi chưa toàn diện, đầy đủ, chưa khách quan và còn chênh lệch, đặc biệt là pháp luật về quản lý kinh tế mà nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của mỗi vị trí công vụ, sự tự giác của người dân và từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc về thực thi, đưa pháp luật vào cuộc sống cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành về những vấn điều tiêu cực, không khách quan trong quá trình thực thi pháp luật, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của người dân, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục kịp thời.
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.
Quốc Khang