Các ý kiến phát biểu đều cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, vận hành khai thác các công trình thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 Quốc hội khóa XIII. Qua rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện cho thấy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện vẫn còn nhiều hạn chế. Rừng bị khai thác tràn lan, có nơi khai thác nhiều hơn so với yêu cầu làm thủy điện, nhiều nơi tận dụng khai thác rừng và khai thác luôn các tài nguyên khoáng sản khác. Một số thủy điện có chất lượng xây dựng không bảo đảm, đã có trường hợp vỡ đập gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân sống trong khu vực thủy điện.
Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại với con số 20% thủy điện lớn, 55% thủy điện nhỏ chưa có phương án phòng chống lụt bão, rất dễ phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. Đề nghị Chính phủ cần ban hành ngay quy chế quản lý việc vận hành hồ chứa khi có bão, lũ với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội chứ không nên giao phó hoàn toàn cho các doanh nghiệp làm thủy điện như hiện nay.
Ngoài ra, cần làm rõ thêm các sự cố đã xảy ra trong số các nhà máy thủy điện đang vận hành, kết luận nguyên nhân là do quy hoạch, thiết kế hay không nghiêm túc trong quá trình vận hành, trên cơ sở đó xác định trách nhiệm cá nhân khi để sảy ra sự cố gây thiệt hại lớn cho dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế, trong thực tế không ít dự án đã bị loại bỏ do thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.
Bên cạnh đó, số lượng các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong việc quy hoạch thủy điện tràn lan, trồng rừng không đủ, không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình.
Ngoài ra cần chỉ đạo rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa thủy điện, cụ thể là các quy định về kiểm định, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật... Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên, nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng chống lũ lụt vùng hạ du, ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị phải kiên quyết loại bỏ thủy điện nhỏ hiệu quả thấp, còn tất cả các dự án thủy điện lớn trước khi triển khai đều phải được Quốc hội thông qua. Về trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo cần làm rõ diện tích và thực trạng chất lượng rừng trồng thay thế vì theo tính toán ban đầu dựa trên định mức sử dụng đất rừng và công suất của các dự án thủy điện, thì diện tích rừng đã được trồng thay thế thấp hơn khá nhiều so với các số liệu nêu trong báo cáo.
Thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh các ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong Nghị quyết 38/2004/QH11 của Quốc hội. Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết đã có một số thông số kỹ thuật chưa thực sự phù hợp với thực tế và khả năng thực hiện; tiến độ thực hiện dự án bị chậm do khả năng bố trí nguồn vốn gặp nhiều khó khăn...
Trên cơ sở đó các đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt sẽ bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án...
Trước đó trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh; nghe Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Quốc Khang