Luật về Hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội khóa XIV dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 2.
Đây là dự án luật quan trọng để thể chế hóa nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền lập hội của công dân, do đó, Quốc hội đã quyết định dành thời gian 1 ngày để thảo luận về dự án luật này.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và không áp dụng của luật; về các trường hợp hạn chế quyền lập Hội; về điều kiện và thủ tục thành lập Hội...
Qua thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam).
Điều này là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức này đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Vì vậy, dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất, quy định rõ trong Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội và đây cũng là việc luật hóa quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự minh bạch và tránh gây hiểu lầm trong quá trình thi hành Luật.
Trong phiên thảo luận buổi sáng, một vấn đề được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, đó là những quy định tại Khoản 5, Điều 8 của dự thảo Luật: "Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Đã có nhiều ý kiến tán thành quy định này và cho rằng quy định như vậy nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự luật cần xem xét lại, nếu không phương hại ảnh hưởng đến con người Việt Nam, đến an ninh, trật tự xã hội thì có thể cho nhận tài trợ với phương châm "nhận một cách có chọn lọc".
Đại biểu nêu dẫn chứng: Trong thời gian qua, có nhiều hội đã thực hiện có hiệu quả, kể cả việc gia nhập các tổ chức quốc tế, nhận viện trợ. Như Hội Luật gia đã là thành viên của Hội Luật gia thế giới, Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương, Hội Luật gia các nước Đông Nam Á, nhận tài trợ của một số tổ chức nhưng việc nhận tài trợ đó là để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của hội viên.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định mềm dẻo hơn, để vừa quản lý được các hoạt động của hội, vừa thực hiện chủ trương mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.
Thảo luận về quy định cơ quan quản lý Nhà nước về Hội, có đại biểu đề nghị bổ sung thêm về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chứ không nên quy định như Khoản 2 của dự thảo là căn cứ tình hình thực tế địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, trong phạm vi cấp huyện.
Các đại biểu đề nghị trách nhiệm quản lý nhà nước về hội cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của từng cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã, vì mọi hoạt động của các tổ chức Hội đều diễn ra từ cơ sở.
Quy định như vậy cũng nhằm tránh tình trạng hoạt động của Hội thiếu sự quản lý của địa phương, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như thiếu sự quan tâm của chính quyền đối với tổ chức Hội.
Bên cạnh đó các đại biểu cho rằng, quy định về điều lệ Hội phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, thẩm định, công nhận, tránh tình trạng tổ chức Hội quyết định quá thẩm quyền, trái quy định của nghị định và của luật.
Nhà nước phải thống nhất quản lý từ việc cho phép thành lập, tổ chức bộ máy, quy mô hoạt động của Hội, tránh tình trạng đại hội của Hội thông qua điều lệ chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận...
Ngoài những nội dung trên, trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung: các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; phạm vi hoạt động của Hội; cơ cấu tổ chức và ban lãnh đạo Hội; quyền và nghĩa vụ của Hội; cơ quan quản lý Nhà nước về Hội...
Mai Lan