Đa số ý kiến đều bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) với nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung và tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát hết những quy định không còn phù hợp, chưa đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của Luật PCCC hiện hành; đồng thời rà soát các nội dung sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất với các luật như: Luật xây dựng, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật năng lượng nguyên tử, Luật hóa chất, Luật doanh nghiệp và các đạo luật khác có liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC.
Về phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản khác, nhà khung thép mái tôn (khoản 5 Điều 1), nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về hạ tầng cơ sở, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhà cao tầng; quy định việc trang bị thống nhất loại thiết bị, phương tiện PCCC dành cho loại nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng và cho công trình ngầm.
Ngoài ra cũng cần xác định rõ trách nhiệm của chủ cao ốc, nhà cao tầng, siêu cao tầng trong việc đóng góp đầu tư, mua sắm trang thiết bị PCCC hiện đại. Theo nhiều đại biểu, danh mục các cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao sẽ thường xuyên thay đổi, do đó không nên quy định ban hành kèm theo Luật mà nên giao cho Bộ Công an thường xuyên kiểm tra, giám sát cập nhật để bảo đảm linh hoạt, kịp thời với tình hình thực tiễn.
Đối với quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở (khoản 9 Điều 1), nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về quy định hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội dân phòng trong công tác PCCC sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương, vì lực lượng này rất đông, nhất là những xã nghèo vùng sâu, vùng xa và dễ dẫn đến việc lạm dụng thu thêm các loại phí từ nhân dân.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định theo hướng có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trực tiếp tham gia chữa cháy tại chỗ khi có đám cháy xảy ra. Đồng thời, phải đối chiếu với Luật ngân sách nhà nước, Luật tổ chức HĐND và UBND về thẩm quyền trình phương án phân bổ ngân sách để quy định cụ thể.
Về ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động PCCC (khoản 11 Điều 1), một số ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật vì Luật Ngân sách nhà nước đã quy định, không nên quy định trái với quy định hiện nay về thẩm quyền HĐND các cấp trong quyết định ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, có ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định lập dự toán ngân sách hàng năm cho PCCC, vì thực tế chỉ dự toán được công tác phòng cháy, không dự toán được ngân sách chữa cháy.
Liên quan đến quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC (khoản 10 Điều 1), một số ý kiến đề nghị quy định tăng thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật về PCCC cho lực lượng cảnh sát PCCC và lực lượng thanh tra chuyên ngành về PCCC để nâng cao tính khả thi của pháp luật và hiệu quả công tác PCCC trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng không nên bổ sung quy định tăng thẩm quyền "thanh tra" cho lực lượng Cảnh sát PCCC mà giao Chính phủ quy định theo quy định của Luật thanh tra để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
Trước đó trong phiên họp tổ vào buổi sáng Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Quốc Khang