Đa số các đại biểu cho rằng, bố cục của dự thảo được thiết kế hợp lý, khoa học, nhiều quy định mới, cụ thể hơn như nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, bỏ phiếu tín nhiệm, trưng cầu dân ý, chức danh Tổng thư ký Quốc hội… sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đa số ý kiến tán thành với quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người và tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tối thiểu là 35% tổng số đại biểu Quốc hội để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại bày tỏ băn khoăn với quy định này và cho rằng, quy định tỷ lệ 35% đại biểu chuyên trách là chưa sát với thực tiễn mà nên để quy định "mở" cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ngoài ra không nên quá nhiều đại biểu chuyên trách ở Trung ương mà nên phân bổ bớt về các địa phương để các đại biểu có điều kiện sát dân, nắm bắt, phản ánh kịp thời hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, độ tuổi tham gia đại biểu Quốc hội để nâng cao năng lực của đội ngũ đại biểu, nhất là các đại biểu chuyên trách.
Liên quan đến các quy định về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật cơ bản mới phản ánh được thực tiễn hiện nay, chưa có những cải tiến lớn về cơ chế làm việc, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, chẳng hạn như chế độ lương, hoạt động phí của đại biểu, cơ chế sử dụng chuyên gia, bộ phận giúp việc hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ....
Do đó đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; cơ chế làm việc và các điều kiện bảo đảm của đại biểu Quốc hội; cũng như các quy định nhằm hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của cơ quan dân cử, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyết định của đại biểu Quốc hội.
Về số lượng các Ủy ban của Quốc hội, có ý kiến đề nghị không quy định cứng số lượng và tên các Ủy ban trong Luật tổ chức Quốc hội mà giao Quốc hội quy định cho từng nhiệm kỳ để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển. Đồng thời, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, tăng số lượng thành viên hoạt động chuyên trách, quy định rõ thẩm quyền của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban và tập thể Hội đồng, Ủy ban để nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội.
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định nâng các Ban công tác đại biểu và Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội. Có ý kiến đề nghị nên giữ các Ban này là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, bởi vì, đây là các cơ quan chuyên môn nên tính chất và hoạt động của các cơ quan này phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp điều hành.
Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, việc thành lập một Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực dân nguyện sẽ góp phần tạo sự gắn kết hơn giữa cử tri với Quốc hội. Ủy ban này sẽ thực hiện các nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, kiến nghị độc lập như các Ủy ban khác của Quốc hội và vì vậy, sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tiếp công dân của Quốc hội và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, quy định về đoàn Quốc hội tại dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ ràng, nhiều quy định mang tính hình thức không đi vào thực tế, vì vậy chưa tạo điều kiện để cho các đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động tốt và phát huy hết chức năng, quyền hạn của mình. Đề nghị dự thảo nên quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức có tư cách pháp nhân, là một cơ cấu của Quốc hội chịu sự quản lý và chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, có cơ chế cụ thể về giám sát và có biện pháp xử lý đối với những vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nhưng địa phương không tiếp thu.
Theo một số đại biểu, việc quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước.
Tuy nhiên, dự thảo cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội, các Phó Tổng thư ký và Ủy viên thư ký Quốc hội, đây là các đại biểu Quốc hội hay là các công chức thuộc bộ máy giúp việc (ở nhiều nước thì Tổng thư ký Quốc hội là công chức hành chính cao cấp nhất trong bộ máy giúp việc của Quốc hội); mối quan hệ công tác giữa Tổng thư ký Quốc hội, các Phó Tổng thư ký và các Ủy viên thư ký với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc Khang