Các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết nhằm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh và đổi tên Luật là "Luật xuất, nhập cảnh", đồng thời làm rõ trường hợp người, tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong lãnh hải, nội thủy của Việt Nam có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này hay không?
Về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 3), một số ý kiến cho rằng, trong quan hệ quốc tế nên có sự linh hoạt, nhất là khi chúng ta cần tranh thủ mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác, thu hút đầu tư và du lịch, do đó, đề nghị quy định rõ những nguyên tắc cơ bản về miễn thị thực, đơn phương miễn thị thực làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết cho thống nhất.
Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), một số đại biểu đề nghị bổ sung hành vi của người nước ngoài "xâm hại đến kinh tế, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam" và hành vi của người thực thi công vụ "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà cho người nước ngoài".
Xung quanh quy định về giá trị của thị thực (Điều 7), nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, do đó cần quy định chặt chẽ hơn đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích lao động. Đồng thời không nên cho thay đổi mục đích của thị thực sau khi nhập cảnh Việt Nam, trừ thân nhân người có thân phận ngoại giao, học sinh, sinh viên đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.
Về ký hiệu thị thực (Điều 8), có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hình thức thị thực điện tử trong dự thảo Luật để bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện, phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hình thức này.
Đối với quy định về điều kiện cấp thị thực (Điều 10), một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định cấp thị thực cho người dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu của bố mẹ hoặc người dẫn đi và làm rõ việc nhập cảnh khi thực hiện các quyết định, các bản án đối với người nước ngoài phải thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam mà cơ quan chức năng nhận về theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết.
Theo một số đại biểu, quy định tại Điều 26 về khai báo tạm trú sẽ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch gia đình, hoạt động tại các khu công nghiệp. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tại khoản 4 về tạm trú của người nước ngoài tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, để bảo đảm thống nhất với Luật đầu tư và quản lý chặt chẽ người nước ngoài hoạt động tại các khu vực này…
Trước đó trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 và nghe Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.
Quốc Khang