Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đa số các đại biểu cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn và tình hình chính trị diễn biến phức tạp nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế tăng 6,5%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai, thị trường, phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao...
Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm, đặc biệt là thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế của nền kinh tế như: việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư dù đã phân bổ và quản lý nguồn lực, ngân sách nhà nước được bố trí tập trung nhưng vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn cao. Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao; cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh đòi hỏi phải khẩn trương cải cách thể chế; công tác quản lý tài nguyên đất nước còn nhiều yếu kém; vấn đề kiểm soát bội chi ngân sách còn chưa chặt chẽ...
Một số ý kiến lo ngại, khi Việt Nam tham gia TPP nhưng ngành nông nghiệp vẫn thực sự chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp phù hợp hay phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Sản xuất nông nghiệp vẫn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng khoa học công nghệ mới và nguồn nhân lực để bảo đảm phát triển bền vững, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân. Một số đại biểu cũng lo ngại về việc thực hiện một số chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ở một số nơi chưa hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm nhanh nhưng chưa bền vững. Đặc biệt, đối với vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 47% tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, khoảng cách giàu nghèo ngày càng có xu hướng gia tăng...
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị các Bộ, ngành, Chính phủ làm rõ nguyên nhân những hạn chế của nền kinh tế và làm rõ nhiều vấn đề như: tiến độ cổ phần hóa Nhà nước không đạt yêu cầu; việc chậm trễ đề án phát triển nông nghiệp... Có ý kiến cho rằng, để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, Chính phủ cần phân tích sâu sắc hơn nữa những yếu tố chưa bền vững của nền kinh tế đất nước, từ đó đề ra giải pháp hiệu quả, phù hợp. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, điều chỉnh kịp thời các chính sách, giải pháp để chủ động hội nhập có hiệu quả khi đàm phán xong các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Năm 2016, để thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ cần có sự đầu tư, hỗ trợ cho những xã khó khăn về các công trình công cộng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…). Đồng thời có chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách để phát triển công nghiệp trong nông nghiệp; đầu tư cho doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ để họ tạo nhiều việc làm cho người lao động; quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp...
Đánh giá nguồn nhân lực là điểm mấu chốt, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị công tác này cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư trong năm 2016. Trong đó, cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phát huy nhân tài; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn...
Mai Lan