Đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, nhất là việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Một số ý kiến đề nghị, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; rút dần nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư), bất động sản và chấm dứt chậm nhất vào năm 2015. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải thực hiện ngay theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống, giảm dần tỷ trọng dư nợ tín dụng so với GDP; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn nhằm ngày càng minh bạch kết quả hoạt động và tài chính doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình) để thực hiện được các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2011 -2015 thì một trong những việc cần làm ngay trong thời gian tới là thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đình hoãn các Dự án mới, điều chuyển vốn cho các Dự án đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện Chính phủ cần rà soát đánh giá khách quan có tiêu trí cụ thể, sát thực đảm bảo tình hiệu quả cho cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh việc cắt giảm, đình hoãn cần phải quan tâm đúng mức đến các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và những dự án phục vụ cho phát triển nông nghiệp ở những vùng luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng trong báo cáo của Chính phủ đã nêu khá cụ thể về các giải pháp phát triển kinh tế nhưng còn thiếu những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá về phát triển văn hóa, xã hội nhằm giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc mà nhiều kỳ họp đã nhắc tới nhưng chậm được khắc phục như ùn tắc và tai nạn giao thông; tình hình vi phạm phát luật và tệ nạn xã hội; tình hình xuống cấp về đạo đức trong thanh, thiếu niên, những bất cập trong chính sách tiền lương, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế… Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định về cơ chế chịu trách nhiệm trong mối quan hệ phối hợp nhằm phát huy sức mạnh của nhiều ngành, nhiều cấp và các tầng lớp nhân dân tránh tình trạng "khoán" và đổ lỗi cho một ngành nhằm sớm khắc phục những tồn tại nêu trên.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội đặc biệt là tiếp tục củng cố mạng lưới an sinh xã hội với các nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, trong 5 năm tới, cần chú trọng đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì đây là Chương trình tổng thể, trong đó có tất cả các chỉ tiêu liên quan đến nâng cao đời sống người dân.
Thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 ở mức từ 5,8% đến 6% là cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong năm 2011 mới chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Lạm phát tăng cao ngoài nguyên nhân tác động do thị trường thế giới, còn có nguyên nhân do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng một lúc như điều chỉnh giá điện, xăng dầu, than và điều chỉnh tỷ giá. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều. Đề nghị trong năm 2012, Chính phủ cần nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số và có giải pháp nhằm giảm chỉ số giá tiêu dùng theo hướng bền vững, việc đầu tư cho phát triển trong năm tới cần có sự điều chỉnh nhằm cân đối giữa đầu tư cho phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục. Cùng với đó, Chính phủ cần đánh giá chính xác và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ nghèo; tăng cường củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Cân đối ngân sách cho công tác quốc phòng và an ninh giữa các địa phương, vùng miền, trong đó chú trọng đầu tư cho các tỉnh trọng điểm về quốc phòng, an ninh…
Quốc Khang