Đa số các đại biểu cho rằng năm 2011 trong bối cảnh khó khăn, công tác thu, chi ngân sách vẫn đạt nhiều kết quả khá tích cực, bội chi NSNN cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP, thu ngân sách cả năm đạt 674,5 nghìn tỷ đồng, vượt 13,4% dự toán; cơ cấu thu ngân sách đã có sự chuyển biến dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước… Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách trong thời gian qua. Đó là, mặc dù vượt thu so với dự toán nhưng tình trạng thất thu còn khá lớn, chi NSNN vẫn vượt 9,7% so với Dự toán Quốc hội giao, chi đầu tư phát triển còn dàn trải. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài Chính - Ngân sách, hiện có trên 1.000 dự án với khoảng 2.445 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ chưa phát huy hiệu quả. Kiến nghị cần thu hồi toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án khởi công không hiệu quả, giành một phần số tiền này chi cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, người nghèo, đối tượng chính sách.
Bên cạnh việc cắt giảm đầu tư công cũng cần phải rà soát kỹ càng, thận trọng để cắt đúng và trúng, không cào bằng. Đơn cử như không nên cắt giảm đầu tư cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dự án liên quan đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với vấn đề cải cách tiền lương, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện đề án cải cách tiền lương còn rất chậm. Mức lương tối thiểu của công chức và phụ cấp công vụ còn thấp không bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp nhằm nâng chất đội ngũ cán bộ công chức của bộ máy hành chính, tránh tình trạng các công chức không làm việc hết giờ như hiện nay.
Về Dự toán thu và dự toán chi ngân sách năm 2012, đa số các đại biểu thống nhất cần phải cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách; quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tích cực tăng thu và dành nguồn tăng thu để giảm bội chi ngân sách, chi trả nợ công và chi trả nhiệm vụ đầu tư các công trình quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, việc bố trí chi ngân sách Nhà nước cần hợp lý hơn, phân cấp và giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các địa phương để cho các địa phương chủ động, tránh tình trạng dàn trải và trông chờ vào ngân sách Trung ương. Ngoài ra, cần tăng thêm mức dự phòng ngân sách cho những địa phương có mức thu ngân sách thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt lên 5% tổng chi ngân sách để những nơi này thực hiện việc khắc phục thiên tai, dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Quốc Khang