Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) bao gồm 5 chương, 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản… Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng…) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.
Đa số các ý kiến đều thống nhất nhận định việc ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện hoàn chỉnh hành lang pháp lý, vừa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, vừa điều chỉnh được những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động xuất bản, đồng thời tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hóa - tư tưởng và phát triển KT - XH.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Luật Xuất bản mới được sửa đổi, bổ sung, thời gian kiểm nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Do đó, đề nghị cần có thêm thời gian để nghiên cứu toàn diện trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng việc thi hành Luật Xuất bản trong thời gian qua. Tập trung vào các hành vi cấm, nhiều đại biểu cho rằng, so với luật cũ, dự thảo luật sửa đổi chỉ thêm một câu "các hành vi khác theo quy định", cách quy định ngắn gọn như vậy sẽ không thể khắc phục được nạn in lậu, nối bản… cũng như chưa ngăn được việc xuất bản những tác phẩm có nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn về những hành vi cấm, thay vì chờ nghị định của Chính phủ.
Về công tác xã hội hóa hoạt động xuất bản, nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo luật không nên bó hẹp đối tượng thành lập nhà xuất bản để phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư, tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển năng động hơn. Tuy vậy, cần phải quy định chặt chẽ, minh bạch điều kiện thành lập nhà xuất bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản, khắc phục tình trạng có nhiều nhà xuất bản không đủ điều kiện, năng lực hoạt động như hiện nay.
Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc mục đích, sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ biên tập viên và phân biệt rõ các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản, bổ sung các quy định về thu hồi, cấp lại chứng chỉ biên tập viên.
Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật cần phải có thêm quy định cụ thể trong việc cấp phép in ấn, quản lý bản thảo, biên tập để hạn chế tình trạng in lậu, xuất bản phẩm chất lượng kém... Đồng thời cần nghiên cứu nội dung phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cho UBND cấp tỉnh, tránh nhầm lẫn giữa chức năng quản lý chuyên môn và chức năng quản lý hành chính.
Về hoạt động liên kết xuất bản, một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản để tránh tình trạng in lậu tràn lan.
Xung quanh các quy định về hoạt động xuất bản điện tử và xuất bản phẩm điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển vượt bậc của Internet và kết hợp với các thiết bị kỹ thuật cao cấp, không giống như sách in thông thường, sách điện tử có những "định dạng" khác nhau thể hiện những ưu điểm vượt trội như gọn nhẹ, có thể điều chỉnh về cỡ chữ, màu sắc và các thao tác cá nhân tùy theo sở thích của người đọc. Vì vậy, ngoài việc cần nghiên cứu kỹ để có được hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản điện tử phát triển lành mạnh, đúng định hướng và phải có các giải pháp cụ thể về quản lý xuất bản phẩm trên thiết bị số và môi trường mạng.
Đối với quy định đăng ký xuất bản phẩm,có ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định bắt buộc đăng ký xuất bản phẩm do hiện nay, hoạt động đăng ký xuất bản phẩm rất hình thức. Bản thân các cơ quan quản lý cũng không nắm rõ được nội dung các cuốn sách đăng ký. Mặt khác, việc giữ nguyên quy định đăng ký xuất bản phẩm dẫn đến việc duy trì các giấy phép con, gây ra nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình xin giấy phép. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của cơ quan xuất bản - các nhà xuất bản về nội dung của các xuất bản phẩm (hoặc quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các nhà xuất bản) và tăng cường công tác hậu kiểm trong hoạt động xuất bản.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua các dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc Khang