Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; Hình thức tố cáo; Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Việc tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp; Bảo vệ người tố cáo… Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải quyết như thế nào với tố cáo "nặc danh", một số ý kiến cho rằng, các trường hợp tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo thường gia tăng vào những thời điểm nhạy cảm như: Chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực thì không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém thời gian và tiền bạc cho việc xem xét, giải quyết. Do vậy, việc quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.
Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đề cập đến việc có nhiều vụ tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ vì người tố cáo sợ bị đe dọa và ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Do đó, đề nghị bổ sung vào Điểm 2, Điều 19 thêm quy định trường hợp người tố cáo không rõ tên, không rõ địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra xác minh thì đơn tố cáo vẫn phải được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đa số các ý kiến đồng tình luật phải quy định bảo vệ người tố cáo nhằm giúp người tố cáo tin tưởng vào sự đúng đắn, công minh của pháp luật, giúp họ quan tâm và mạnh dạn phản ánh những việc làm sai trái của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh.
Một số đại biểu cũng cho rằng, những quy định về bảo vệ người tố cáo được nêu trong dự thảo luật còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc và thiếu cơ chế áp dụng trong thực tiễn. Đề nghị cần có những quy định chặt chẽ và chi tiết hơn, đặc biệt là cần xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ trình tự thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo. Đồng thời cần quy định việc bảo vệ quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, uy tín của người tố cáo. Ngoài ra, luật cũng cần bổ sung cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng hơn hình thức tố cáo (trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax...) là hợp lý.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và đề cao trách nhiệm của công dân khi sử dụng các hình thức tố cáo trên và tránh việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, uy tín và danh dự của người khác vì động cơ cá nhân cần có những quy định chặt chẽ và có các chế tài cụ thể đối với các hình thức tố cáo mới này.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.
Quốc Khang