Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sau khi tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đã được hoàn thiện một bước, cơ bản giải quyết những vướng mắc trong Luật hiện hành theo hướng cải cách tư pháp. Các đại biểu cũng đồng tình cao về quy định: người được thi hành án có thể yêu cầu giải thích bản án, quyết định không rõ ràng của tòa án. Điều này cũng phù hợp với quy định về trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, gốc của vấn đề án tuyên không rõ ràng chính là chất lượng của hoạt động xét xử. Bởi vậy, cùng với những quy định rõ ràng, dự thảo Luật này cần hoàn chỉnh pháp luật về tòa án và xây dựng đội ngũ thẩm phán thực sự có phẩm chất, năng lực, để bản án, quyết định của tòa án luôn luôn là những bản án, quyết định chính xác và rõ ràng.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ những cơ sở, căn cứ về các quy định còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như: quy định người thi hành án phải có đơn yêu cầu mới thi hành án; về vấn đề án phí; về quyền của người thi hành án; về xác minh điều kiện thi hành án…
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cho dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nguyên tắc vấn đề dân sự cốt ở hai bên xuyên suốt trong luật dân sự của Việt Nam, Nhà nước chỉ can thiệp khi các bên không tự giải quyết được. Theo Bộ trưởng, Hiến pháp mới đã xác định rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp rất cụ thể, theo đó, việc quy định tòa án ra quyết định đưa bản án có hiệu lực là rất phù hợp, tăng cường trách nhiệm của tòa án với chính bản án của mình. Về giao lại việc thi hành án dân sự cho tòa án, Bộ trưởng nói rằng, đây là vấn đề lớn. Hiến pháp đã quy định tòa án là cơ quan xét xử, do đó, những việc không liên quan đến xét xử mà giao tòa án thì cần cân nhắc kỹ. Hầu hết các nước không giao tòa án thi hành, mà tòa án chỉ ra lệnh, còn lại việc thi hành án được giao cho Chính phủ, Nhà nước hoặc xã hội thực hiện…
Mai Lan