Thảo luận về cơ quan quản lý nhà Nước về quảng cáo (Điều 6), nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, phương tiện quảng cáo thuộc quyền quản lý của nhiều Bộ: báo chí, mạng thông tin máy tính, phương tiện điện tử và xuất bản phẩm thuộc Bộ TT&TT; hạ tầng, vị trí đặt bảng quảng cáo, pa nô, băng rôn thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường; phương tiện giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải; chương trình văn hóa, thể thao, triển lãm thuộc Bộ VH,TT & DL; hội chợ thuộc Bộ Công Thương… Trong khi đó, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý sản phẩm quảng cáo, chứ không phải quản lý phương tiện truyền tải sản phẩm quảng cáo đó. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta và điều đó thuộc quyền quản lý của Bộ VH,TT & DL. Do đó, nên giao cho giao Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.
Đối với quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo tại Điều 8, theo một số đại biểu hiện nay rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra nên việc quy định hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết.
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc với thực trạng nhiều sản phẩm quảng cáo có nội dung không đúng với chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quảng cáo. Trong khi đó, dự thảo Luật chưa làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo. Đề nghị cần bổ sung quy định người quảng cáo ngoài việc cung cấp các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác, còn phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo. Ngoài ra, người quảng cáo cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo vì người quảng cáo là người trực tiếp thuê thực hiện quảng cáo sản phẩm của mình, có quyền chi phối nội dung quảng cáo và nắm rõ nhất tính xác thực của sản phẩm quảng cáo.
Liên quan đến quy định quảng cáo trên báo điện tử (Điều 23), một số ý kiến cho rằng đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện này khác với các loại hình báo chí thông thường, người sử dụng có thể hoàn toàn chủ động tắt, mở các nội dung mình cần, do vậy không cần thiết phải quy định diện tích quảng cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lựa chọn của độc giả, dự thảo Luật nên bổ sung một số quy định như: phần quảng cáo cố định không được lẫn vào phần nội dung tin; đối với quảng cáo không cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phản ánh tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo quá nhiều, gây phiền hà cho người sử dụng dịch vụ điện thoại. Đề nghị bổ sung quy định quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo chỉ được thực hiện đối với những khách hàng trước đó đã thực hiện giao dịch và những đối tượng khác chủ động đăng ký nhận quảng cáo.
Buổi chiều Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường thảo về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính. Các ý kiến tập trung thảo luận các nội dung: Những hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức phạt bổ sung đối với người bán dâm; các hình thức, thủ tục xử phạt…
Liên quan tới quy định mức phạt tiền, đa số đại biểu tán thành việc nâng khung và mức phạt nhằm đảm bảo tính răn đe. Song, một số đại biểu cho rằng, mức phạt tối đa một tỷ đồng là quá cao đối với cá nhân trong điều kiện thu nhập và hoàn cảnh kinh tế, xã hội của đất nước. Ngược lại, mức tối thiểu 100.000 đồng đối với tổ chức là quá thấp, không có tác dụng răn đe. Để nghị nên sửa đổi nguyên tắc xử phạt theo hướng, quy định mức xử phạt với tổ chức cao hơn với cá nhân, không nhất thiết phải quy định cụ thể là gấp 2 lần. Với tổ chức, mức xử phạt tối thiểu có thể là 500.000 đồng, tối đa là 5 tỷ đồng, còn với cá nhân là từ 50.000 đồng - 500 triệu đồng, nhưng không cao hơn mức phạt hình sự với hành vi tương ứng.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) cho rằng tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng việc tăng lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với thực tiễn và tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hành vi. Chẳng hạn, xem xét nâng mức phạt cho hợp lý đối với một số hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường, làm hàng giả, quảng cáo, gian lận thương mại liên quan đến hoạt động kiểm lâm, quản lý biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, tài nguyên biển.
Theo một số ý kiến các thành phố trực thuộc Trung ương là khu vực đặc biệt, tập trung số lượng dân cư lớn, các loại phương tiện giao thông, các cơ quan, trụ sở; các hành vi vi phạm xảy ra trong nội thành sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng rộng; vì vậy, quy định mức phạt cao sẽ đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành nâng mức xử phạt hành chính ở các thành phố lớn bởi quy định này có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong phạm vi toàn quốc.
Mặt khác, hiện nay, tai nạn giao thông nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên quốc lộ. Ở các thành phố lớn chủ yếu là ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân: Cơ sở hạ tầng yếu kém; lực lượng quá mỏng; quản lý nhà nước hạn chế, do đó cần tập trung xử lý những nguyên nhân này chứ không nên tăng mức hình phạt.
Quốc Khang