Dự thảo Luật hòa giải cơ sở bao gồm 5 chương, 36 điều quy định chi tiết nguyên tắc, chính sách hòa giải ở cơ sở; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở…
Đa số ý kiến đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật hòa giải cơ sở để giải quyết một cách hữu hiệu các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm bớt các vụ việc chưa cần thiết phải đưa tới cơ quan hành chính nhà nước hoặc Tòa án giải quyết. Về phạm vi các vụ việc được tiến hành hòa giải ở cơ sở (Điều 4), nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định việc hòa giải chỉ thực hiện đối với các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân là chưa hợp lý, bởi lẽ trên thực tế rất khó "lượng hóa" hay phân định được vấn đề này. Do đó, đề nghị cần mở rộng phạm vi hòa giải đối với tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc mọi lĩnh vực phát sinh tại địa bàn cơ sở mà các bên có yêu cầu hòa giải, không kể quy mô vụ việc, trừ các vụ việc phải xử lý hành chính, hình sự.
Liên quan đến các quy định về xã hội hóa hoạt động hòa giải cơ sở, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, việc xã hội hóa hoạt động hòa giải cơ sở cần phải phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, bởi lẽ, MTTQ Việt Nam là tổ chức gần gũi, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, quy tụ một lực lượng đông đảo các thành phần xã hội tham gia.
Do đó, để góp phần xây dựng tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, cần phải có những quy định thể hiện vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và sự hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động này. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ được hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở như hoạt động các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản… Vì vậy, dự thảo Luật cần quan tâm, bổ sung một số quy định tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Tổ hòa giải, Hòa giải viên với các hình thức hòa giải khác trên địa bàn dân cư, đồng thời có chính sách khuyến khích những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân.
Về tiêu chuẩn Hòa giải viên và Tổ trưởng Tổ hòa giải (Điều 7 và Điều 13), có ý kiến đề nghị không nên quy định Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật vì thực tế nhiều người bằng uy tín của mình vẫn xử lý thành công các vụ việc. Ý kiến khác lại cho rằng, các mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng phức tạp nên năng lực Hòa giải viên cũng phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu. Do vậy, Hòa giải viên cũng cần được điều chỉnh bởi những quy định chặt chẽ để đảm bảo tính chuyên nghiệp, được bầu theo một số tiêu chuẩn nhất định, được MTTQ ở cơ sở tham gia chỉ đạo, lựa chọn trong cộng đồng dân cư… Tuy nhiên, mức độ "có hiểu biết pháp luật" cần được làm rõ và có quy định cụ thể.
Về các quy định đối với thời hạn hòa giải (Điều 17), nhiều ý kiến đề nghị không đặt ra thời hạn hòa giải do đây không phải là một hoạt động tố tụng hay thủ tục giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc không quy định thời hạn hòa giải còn giúp các Hòa giải viên cũng như các bên khi có mâu thuẫn, tranh chấp có thời gian tìm hiểu vụ việc, tìm ra các giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách hiệu quả, ít tốn kém.
Trước đó với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân…
Quốc Khang