Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật và tập trung thảo luận về một số vấn đề: quyền của đương sự được tự mình trực tiếp yêu cầu thực hiện giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, hoạt dộng giám định tư pháp…
Nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu GĐTP để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, trong các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự thì khi tham gia tố tụng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như đương sự trong các vụ việc dân sự thông thường khác. Nếu không quy định quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP của đương sự trong trường hợp này, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật tố tụng. Riêng đối với bị can, bị cáo, theo nguyên tắc tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định đã được Bộ luật tụng hình sự quy định cụ thể, nên không cần quy định quyền yêu cầu GĐTP của các đối tượng này.
Đối với quy định về giám định viên tư pháp và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp (Điều 7, Điều 8), nhiều ý kiến đề nghị tăng thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp dài hơn 5 năm, bởi người được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp, ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn thì cần có thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực GĐTP sẽ đảm nhận. Xung quanh quy định về tổ chức giám định pháp y, một số ý kiến nhất trí đưa các tổ chức giám định pháp y về một mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao.
Tiếp cận ở góc độ khác, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng nên giữ nguyên quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như hiện nay, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người). Ngoài ra, lực lượng công an đóng vai trò chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu bỏ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án.
Theo một số đại biểu, trong thực tế nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu cá nhân hoặc tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện giám định tư pháp như: các lĩnh vực tài chính - kế toán, xây dựng, cổ vật, di vật… Vì vậy, đề nghị nên cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ngoài công nhằm phát huy năng lực của các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động GĐTP. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị việc xã hội hóa hoạt động GĐTP cần có bước đi thích hợp, trước mắt chỉ nên cho phép thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập ở một số lĩnh vực tương đối phổ biến và không nên xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Về chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện xã hội hóa hoạt động GĐTP, tạo cơ chế thu hút các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực này thì quy định về ưu đãi đối với các tổ chức GĐTP ngoài công lập là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi cần bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật.
Buổi chiều Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tin, ảnh: Quốc Khang