Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu cho rằng, để tránh lãng phí thì quy hoạch chi tiết đòi hỏi phải cụ thể đến từng khu đất, thửa đất, trong khi đó, chính quyền cấp xã là những người hiểu rõ nhất về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, Dự thảo luật nên quy định rõ việc giao thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho cấp xã nhằm tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất. Về cơ chế thu hồi đất, đa số ý kiến đề nghị, Nhà nước nên chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch.
Trên cơ sở đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
Ngoài ra, đất đã nằm trong quy hoạch thì không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì sẽ làm cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phức tạp thêm do chênh lệch về giá bồi thường, từ đó dẫn đến việc so bì, khiếu kiện trong nhân dân.
Có ý kiến đề nghị chỉ trưng thu có bồi thường đất vì mục đích an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia còn lại phải trưng mua, đặc biệt là đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc. Đồng thời cần hạn định rõ thời gian thực hiện dự án nếu quá thời hạn và vì lý do chủ quan hoặc có sai phạm pháp luật thì phải thu hồi đất, tránh tình trạng đầu cơ găm giá.
Theo một số đại biểu, dự thảo nên bổ sung nguyên tắc trước khi thu hồi đất phải lập phương án tái định cư rõ ràng để tránh những vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi phải dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật, đặc biệt cần đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ.
Xung quanh nguyên tắc xác định giá đất, nhiều ý kiến cho rằng quy định "Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước" là chưa hợp lý vì việc xác định giá đất "sát với giá thị trường" như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động.
Vì vậy, đề nghị luật cần quy định rõ giá đất do Nhà nước quy định sử dụng cho mục đích tính thuế và các mục đích mang tính ổn định như xác định tiền giao đất, tiền thuê đất… còn đối với xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên xác định theo quy định của Luật giá với sự tham gia của các tổ chức định giá đất tại thời điểm thu hồi.
Về đấu giá quyền sử dụng đất, nhiều ý kiến đề nghị đất đai là loại tài sản đặc biệt nên việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với đất đai và phải theo quy định của pháp luật về đất đai. Vì vậy, Luật đất đai (sửa đổi) cần thiết phải có quy định về tổ chức có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất, còn trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Đối với quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt cần được quản lý chặt chẽ, được phân phối đúng người sử dụng nên cần giữ thời hạn giao đất nông nghiệp. Tuy nhiên nên kéo dài thời hạn sử dụng đất lên 50 năm nhằm khắc phục sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân với doanh nghiệp, tạo điều kiện để người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Về hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, một số đại biểu đề nghị cần phải quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nhằm khuyến khích người sử dụng đất tích tụ đất đai trong hạn mức để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại và cũng hạn chế tích tụ đất đai quá lớn trong quá trình sử dụng đất.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về các dự án Luật xây dựng (sửa đổi); dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Tin, ảnh: Quốc Khang