Đa số ý đều bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
Về quy định người được thi hành án bắt buộc phải có đơn yêu cầu thi hành án (Điều 29), nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần cụ thể hóa quy định tại Điều 106 của Hiến pháp năm 2013 là "Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án theo hướng: Cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Việc thay đổi hoặc đình chỉ thi hành án được quyết định trên cơ sở người được thi hành án có đơn từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án.
Theo một số đại biểu, khi quyền và nghĩa vụ của đương sự tại Điều 7 và Điều 7a đã được sửa đổi, bổ sung căn bản thì quy định về phí thi hành án (Điều 60) vẫn giữ nguyên là không hợp lý. Để bảo đảm sự công bằng cũng như khuyến khích người được thi hành án trong việc tự xác minh để cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án cho cơ quan thi hành án, đề nghị dự án luật cần sửa đổi quy định về phí cho phù hợp, đặc biệt là bổ sung cơ chế xét miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp đương sự tự xác minh và cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với chủ trương cần hoàn thiện cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước để góp phần giảm lượng án tồn đọng. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung về điều kiện, đối tượng và mức xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cần được cân nhắc kỹ, để vừa góp phần giảm lượng án tồn đọng, vừa bảo đảm tính nhất quán của chính sách và sự nghiêm minh của pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo bổ sung quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của TAND là cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án và toàn án. Tuy nhiên, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết của TAND đối với tài sản trong quá trình thi hành án phải bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng (dân sự, hành chính), đồng thời, việc giải quyết về tài sản phải tuân thủ các nguyên tắc chung theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật liên quan.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với TAND tối cao rà soát kỹ các nội dung để bảo đảm tính khả thi, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, tránh quy định chung chung hoặc không đúng thẩm quyền, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được thi hành án và cơ quan quản lý cấp trên đối với việc thi hành khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước (Điều 179), nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được giao quản lý, sử dụng đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành (Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật doanh nghiệp...).
Trường hợp người có trách nhiệm không thực hiện chức trách được giao thì cơ quan thi hành án dân sự cần kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, tùy theo mức độ vi phạm, xử lý bằng các biện pháp kỷ luật, hành chính, dân sự hoặc xem xét trách nhiệm hình sự... Đối với các khoản tiền, tài sản thuộc diện phải thu hồi hoặc bồi thường là tài sản Nhà nước, đã được xác định cụ thể trong bản án, thì cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành mà không cần thiết phải bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ của các đối tượng này trong Luật.
Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật hải quan (sửa đổi) và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Quốc Khang