Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung một số điều phù hợp với luật pháp quốc tế, phục vụ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là các quy định về thẩm quyền quản lý giá, phí các dịch vụ hàng không; quản lý, cấp phép bay cho phương tiện bay siêu nhẹ; sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung; an ninh hàng không; quản lý cảng hàng không, sân bay… Nhiều đại biểu tán thành việc quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là "Nhà chức trách hàng không", giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện việc xác định chủ thể "Nhà chức trách hàng không" trong dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng (là Cục hàng không Việt Nam hay Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm này và bổ sung các quy định cụ thể hơn để bảo đảm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành hàng không và phù hợp với quốc tế.
Về quản lý giá hàng không nội địa, có ý kiến cho rằng, việc áp dụng khung giá độc quyền là không cần thiết mà nên áp dụng cơ chế thị trường, để thị trường quyết định theo quy luật cung-cầu, thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về thanh tra hàng không, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quy định thanh tra hàng không thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hàng không dân dụng để đảm bảo phù hợp yêu cầu của hoạt động thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan làm công tác thanh tra và đảm bảo an ninh hàng không, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho khách hàng.
Về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, có đại biểu đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và phù hợp với thông lệ quốc tế.Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, không thể đồng nhất sân bay chuyên dụng với sân bay dân dụng, bởi cần phải nhìn nhận về bản chất của sự việc là sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, chứ không phải là kinh tế, quốc phòng, ở đây phải đặt yếu tố quốc phòng lên hàng đầu, nếu giao cho Bộ Giao thông-Vận tải thì sẽ làm giảm tính chủ động với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, đề nghị nên quy định giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dụng, có trao đổi với Bộ Giao thông-Vận tải.
Liên quan đến đảm bảo an ninh hàng không, nhiều đại biểu cho rằng, trong dịch vụ hàng không, an toàn phải là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên một số quy định của dự thảo còn chưa rõ về tổ chức, vị trí, vai trò của lực lượng đảm bảo an ninh hàng không. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định chặt chẽ về lực lượng tham gia đảm bảo an ninh hàng không cũng như trang thiết bị hỗ trợ của lực lượng này.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát an ninh hành không còn là bộ mặt của quốc gia và cần phải được lựa chọn đào tạo một cách bài bản, do đó đề nghị quy định rõ ngay trong luật lực lượng này thuộc Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an, Quốc phòng chứ không nên giao cho doanh nghiệp quản lý.
Quốc Khang