Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền bao gồm 5 Chương và 53 Điều quy định chi tiết các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền; Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố… Hầu hết các ý kiến tại buổi thảo luận đều nhất trí việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn, đồng thời thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc dự thảo luật không quy định về mức giá trị giao dịch phải báo cáo chỉ quy định có tính nguyên tắc giao dịch "có giá trị lớn" và giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định mức cụ thể. Đề nghị cần làm rõ tiêu chí "có giá trị lớn" của giao dịch. Bởi vì có trường hợp giao dịch với giá trị lớn không hẳn đã là rửa tiền, có trường hợp giao dịch với giá trị nhỏ nhưng thực chất là rửa tiền. Mặt khác nếu quy định tiêu chí "có giá trị lớn" thì khách hàng sẽ chia tài sản giá trị lớn ra thành nhiều khoản nhỏ để giao dịch, khi đó việc phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bỏ sót các hành vi này.
Về khái niệm "rửa tiền" tại Điều 4, nhiều đại biểu cho rằng, tuy cùng là "rửa tiền", nhưng Bộ Luật hình sự quy định về "tội rửa tiền" gồm các hành vi có mức độ nguy hiểm cho xã hội, còn hành vi rửa tiền quy định trong Dự thảo Luật ngoài hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức tội phạm, còn có thể bao gồm những hành vi khác chưa đến mức tội phạm. Đề nghị, cần có sự thống nhất giữa quy định về các hành vi rửa tiền trong Dự án Luật này với quy định về các hành vi rửa tiền trong Bộ Luật hình sự hiện hành.
Theo một số ý kiến, các quy định nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo về giao dịch… tại Mục 1 và Mục 2 Chương II có liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân. Do đó, cần phải xem xét điều chỉnh lại vừa đảm bảo kiểm soát có hiệu quả hoạt động rửa tiền vừa không xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân.
Quan tâm nhiều đến quy định cơ quan phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu cho rằng, Điều 43 của Dự án Luật quy định Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chức năng làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao các thông tin liên quan đến rửa tiền là chưa phù hợp, vì hoạt động rửa tiền thường liên quan đến tội phạm và trốn thuế. Do vậy cần quy định bao gồm cả các cơ quan pháp luật như Bộ Công an, Bộ Tư pháp... thì hoạt động kiểm soát mới hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho hoạt động chống tham nhũng.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật giám định tư pháp.
Quốc Khang