Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị tương đối chu đáo trên cơ sở tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, kế thừa và nâng cao các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Về tuổi kết hôn, hầu hết ý kiến đều đồng tình với quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải "đủ mười tám tuổi trở lên", vì cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Bên cạnh đó, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính (Điều 16), một số ý kiến cho rằng, việc dự thảo bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, tạo cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính.
Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, do đó đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật hiện hành, tiến hành nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời, đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... để sửa đổi quy định này cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Theo một số đại biểu, ly thân hiện nay đang được lựa chọn như là giải pháp phù hợp để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân gia đình. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp vợ chồng có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly thân nhưng Tòa án đã phải từ chối vì cho rằng không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Như vậy, việc bổ sung các quy định về ly thân sẽ tạo cơ sở pháp lý để Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu chính đáng này của người dân nếu họ yêu cầu. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em.
Tuy vậy, các ý kiến cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ thêm bản chất của ly thân, thủ tục giải quyết yêu cầu ly thân, tính phù hợp của quy định "khi ly thân chấm dứt thì việc chia tài sản khi ly thân vẫn có hiệu lực"; việc thụ lý và giải quyết của Tòa án trong trường hợp một bên có yêu cầu ly hôn và bên kia có yêu cầu ly thân; con được sinh ra trong thời kỳ ly thân; xử lý các trường hợp lợi dụng quy định này để trốn tránh nghĩa vụ chung của vợ, chồng…
Về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Hiện nay, với tiến bộ của y học trong nước có thể thực hiện được việc này, nếu pháp luật không điều chỉnh thì một bộ phận người dân có nhu cầu vẫn thực hiện, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Do đó, đề nghị cần bổ sung quy định này trong Luật với các điều kiện chặt chẽ, rõ ràng nhằm bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này.
Xung quanh quy định quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại một số vấn đề như thẩm quyền giải quyết ly thân có yếu tố nước ngoài; áp dụng luật khi giải quyết tranh chấp về quan hệ nhân thân, tài sản giữa vợ, chồng khi hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang tồn tại, việc thừa nhận quyền vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản; việc xử lý hậu quả của hôn nhân đồng giới có yếu tố nước ngoài… nhằm đảm bảo tính thống nhất, tương thích với các quy định về thẩm quyền của Tòa án trong Bộ luật tố tụng dân sự, với các điều ước quốc tế và các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Quốc Khang