Các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận đều thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành luật hộ tịch nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình nhưng vẫn bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hộ tịch. Nhiều ý kiến trong cho rằng, giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch là những sự kiện quan trọng của công dân (khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con, xác định giới tính, dân tộc...) được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ liên quan đến quyền cơ bản của công dân.
Còn hộ khẩu và căn cước công dânchủ yếu để phục vụ công tác quản lý trên lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó đề nghị không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và căn cước công dân, vấn đề hộ tịch vẫn nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý, còn hộ khẩu, căn cước công dân do Bộ Công an quản lý.
Về việc cấp Giấy khai sinh, có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật căn cước công dân thì Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân.
Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn với quy định giao cho UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (Điều 5). Bởi lẽ trong điều kiện hiện nay, quy định này chưa phù hợp với trình độ, năng lực của đội ngũ công chức cấp huyện, dễ dẫn đến gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Đề nghị nên giữ như quy định của pháp luật hiện hành là giao cho UBND cấp tỉnh thực hiệnđăng ký việc hộ tịchcó yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn việc cải sửa, cấp lại giấy tờ hộ tịch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng việc cải sửa để gian lận như khai tăng, giảm tuổi để được nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài thời gian công tác, trốn nghĩa vụ quân sự, trốn tránh trách nhiệm hình sự...
Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác quản lý đăng ký hộ tịch, hạn chế việc vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước để trục lợi.
Về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, ở nước ta đang có nhiều cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành liên quan tới việc quản lý dân cư do các bộ, ngành khác nhau thực hiện (dữ liệu về hộ tịch, cư trú, hộ khẩu, căn cước …). Do đó, đề nghị dự án luật cần quy định thống nhất việc xây dựng cơ sở dữ liệu gốc, được kết nối, chia sẻ thông tin để các cơ quan nhà nước khai thác phù hợp yêu cầu chuyên ngành, trong đó có hộ tịch.
Đồng thời, cần bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc khai thác cơ sở dữ liệu điện tử, bảo đảm việc giữ bí mật cá nhân theo quy định của pháp luật. Đối với quy định về cấp trích lục hộ tịch (các điều 62, 63 và 64), nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này, vì quy định cấp trích lục chỉ phù hợp sau khi đã hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và vận hành thống nhất trong cả nước; còn trong giai đoạn quá độ trước mắt sẽ rất khó khăn trong việc cấp trích lục đối với trường hợp cá nhân đã thay đổi nơi cư trú.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần làm rõ tính pháp lý của trích lục, nhất là trong các sự kiện quan trọng như đăng ký nhận cha, mẹ, con (Điều 25) hoặc thay đổi, cải chính hộ tịch (Điều 28) khi có tranh chấp được giải quyết tại cơ quan nhà nước thì trích lục có giá trị như thế nào? Đồng thời phải bổ sung quy định ai là người được yêu cầu cấp trích lục, điều kiện cấp như thế nào, cơ quan nào được cấp và được tiếp cận thông tin hộ tịch đến đâu…
Trước đó, Quốc hội đã quyết thông qua Luật phá sản (sửa đổi); Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Quốc Khang