Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự cần thiết phải ban hành Luật Giám định tư pháp nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử được đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc. Đồng thời, xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp. Bên cạnh đó, các đại biểu đóng góp ý kiến về các vấn đề: phạm vi điều chỉnh đối với giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính; quy định giám định pháp y trong lực lượng công an; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp...
Liên quan đến việc chuyển cơ quan giám định tư pháp từ ngành Công an sang ngành Y tế, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống giám định pháp y công an tỉnh đã được thành lập từ lâu, là lực lượng mạnh, không có vướng mắc gì về quản lý Nhà nước cũng như tổ chức việc giám định, đang phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên hệ thống giám định pháp y của công an tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong hình hình hiện nay.
Về quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ, việc dân sự và vụ án hành chính quy định tại Điều 1 và Điều 24, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính như dự thảo Luật là không công bằng đối với các đương sự trong vụ án hình sự. Bởi vì, theo quy định tại Điều 28 Bộ Luật tố tụng hình sự, trong trường hợp vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự thì các đương sự cũng có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh cho các yêu cầu, đề nghị của mình. Do vậy, về nguyên tắc, ngoài đương sự là người bị hại thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định, xác định mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra đối với họ để làm căn cứ xác định tội danh và quyết định hình phạt thì các nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, theo nhiều đại biểu, thực tiễn xét xử hiện nay bắt buộc phải có trưng cầu giám định. Trong khi, những tiêu cực trong việc giám định thương tích, tai nạn, giám định tuổi, giám định sức khỏe vẫn diễn ra ở một số nơi. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo Luật, cho phép mở văn phòng giám định ngoài công lập, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật biển Việt Nam và báo cáo thẩm tra dự án Luật biển Việt Nam.
Quốc Khang