Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời bổ sung các quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, với quy định việc áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan tại Điều 3 thì một số hoạt động của doanh nghiệp như: giải thể, phá sản… vẫn được điều chỉnh theo các văn bản chuyên ngành có từ trước đó. Nếu như vậy sẽ trái với quy định văn bản pháp luật ra sau có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản trước.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định trong luật để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định trong hệ thống pháp luật. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn với quy định người chưa thành niên và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự không được phép thành lập doanh nghiệp như trong dự thảo.
Vì quy định như vậy là không đồng bộ với Bộ luật dân sự quy định người đủ 16 tuổi thì có quyền lao động và có tài sản riêng nên họ hoàn toàn có khả năng thành lập doanh nghiệp. Mặt khác, dự thảo cũng cần phải quy định rõ hạn chế năng lực hành vi dân sự ở mức độ nào, vì hiện nay có những người hạn chế về thể chất nhưng xét về tư duy, trí tuệ vẫn hoàn toàn có khả năng lao động, thành lập doanh nghiệp và đóng góp tốt cho xã hội.
Về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 32), một số đại biểu đề nghị cần quy định kê khai rõ trong hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh để tạo tính thống nhất giữa các điều trong dự án luật, cũng như tạo điều kiện cho cơ quan chức năng quản lý hiệu quả về thu thuế, về tính toán vốn pháp định doanh nghiệp…, tránh tình trạng một doanh nghiệp nhưng tham gia quá nhiều lĩnh vực kinh doanh, gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành.
Liên quan đến các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp như dự án Luật là chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới lợi dụng hình thành doanh nghiệp để hoạt động phi pháp, khó kiểm soát, khó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên thực tế hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp.
Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều khoản cụ thể về cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp; đồng thời quy định chặt chẽ hơn trong công tác hậu kiểm để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.
Xung quanh quy định về những ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến đề nghị để tránh làm phát sinh tiêu cực dự thảo cần cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải công ty cổ phần đại chúng (Điều 129) và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (Điều 130), một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo sẽ có hai nội dung không được thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán là: chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu của công ty đại chúng, cũng được coi là chào bán chứng khoán ra công chúng và phát hành chứng khoán ra công chúng của công ty không phải đại chúng.
Với quy định như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch của thị trường vốn và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định về chào bán cổ phần của công ty cổ phần chưa đại chúng, bao gồm chào bán riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu; những nội dung liên quan đến chào bán cổ phần của công ty đại chúng nên được giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Đối với các quy định về doanh nghiệp tư nhân, nhiều ý kiến đề nghị nên dùng thuật ngữ doanh nghiệp của một cá nhân thay cho thuật ngữ doanh nghiệp tư nhân để tránh gây nhầm lẫn với khái niệm thành phần kinh tế tư nhân, cũng như giúp phân biệt rõ loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…
Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung quy định về hộ kinh doanh nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hộ kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn định giá tài sản; tăng cường quản lý nhà nước với doanh nghiệp, đặc biệt đối với việc vốn đầu tư ra nước ngoài; quy định giám sát của hội đồng thành viên; bổ sung thêm loại hình công ty hợp doanh… để thuận lợi cho việc vận dụng Luật dân sự giải quyết khi có sự tranh chấp.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.
Quốc Khang