Dự thảo Luật đầu tư công bao gồm 6 Chương và 74 Điều, quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ xác định chủ trương đầu tư đến đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư công; đồng thời cũng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành về việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công... Đa số ý kiến cho rằng việc ban hành luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Theo nhiều đại biểu, quy định về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cần cụ thể hơn để xác định rõ dự án, chủ thể nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; đặc biệt cần làm rõ trường hợp dự án PPP có phần tham gia vốn nhà nước dưới 30% thì có áp dụng theo Luật đầu tư công không.
Một số ý kiến cho rằng, Điều 4 của dự thảo Luật giải thích thuật ngữ với nhiều khái niệm có liên quan hoặc quy định đồng thời ở các luật khác như khái niệm đầu tư công, vốn đầu tư công, vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, chương trình đầu tư công, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi... có những khái niệm có thể chồng chéo và gây nhầm lẫn với những khái niệm tương tự được dùng trong các luật chuyên ngành khác. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành cũng như các luật dự kiến sửa đổi để đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra cần nghiên cứu, bổ sung quy định việc phân cấp quản lý đầu tư, phân loại các dự án đầu tư gắn với thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đồng thời sử dụng khái niệm về các dự án nhóm A,B,C để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Theo một số đại biểu, Điều 9 của dự thảo luật quy định việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hoặc kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị lập, thẩm định dự án, phê duyệt chương trình, kế hoạch đầu tư công để chi phí cho hoạt động chuẩn bị đầu tư là chưa hợp lý và không khả thi, đặc biệt là ở một số cơ quan, đơn vị có nhiều dự án với tổng mức đầu tư lớn.
Đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định hiện hành về vốn chuẩn bị đầu tư để bố trí kinh phí riêng cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư và cân nhắc việc đưa chi phí theo dõi, thanh tra, kiểm tra vào chi phí chuẩn bị đầu tư.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (Điều 11), nhiều ý kiến đồng tình với việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như dự thảo nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư.
Một số ý kiến đề nghị chỉ nên quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư (phê duyệt báo cáo dự án tiền khả thi) đối với các dự án, chương trình quan trọng quốc gia và nhóm A. Đối với các dự án nhóm B và đặc biệt là nhóm C thì không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đầu tư.
Về điều kiện và đối tượng chương trình, dự án đầu tư công được ghi vốn kế hoạch đầu tư hàng năm (Điều 30), nhiều ý kiến tán thành với quy định về điều kiện dự án đầu tư được ghi vốn kế hoạch đầu tư hàng năm phải có thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án hoặc hạng mục được phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch nhằm nâng cao kỷ cương triển khai hoạt động đầu tư công.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng quy định thời điểm trước 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch là khó khả thi và không phù hợp với thực tiễn, đề nghị ban soạn thảo nên cân nhắc lại quy định thời điểm phải có thiết kế kỹ thuật cho phù hợp.
Trước đó trong phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Quốc Khang