Hầu hết các ý kiến phát biểu đều tán thành việc sửa đổi Bộ luật nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, cùng với các quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, cần bổ sung những quy định bảo vệ cả người sử dụng lao động, vì hai đối tượng này có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời nhau.
Về vấn đề tiền lương, tiền công, nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động, bảo đảm để người lao động sống đủ bằng tiền lương của mình. Vì vậy, đề nghị Luật phải làm rõ, quy định lương thực trả đối với người lao động, bởi nếu chỉ quy định lương tối thiểu thì các doanh nghiệp sẽ vận dụng khác nhau và người lao động dễ bị thua thiệt. Bên cạnh đó, lương tối thiểu nên tính theo giờ, thay vì tính theo ngày như hiện nay, để tránh bất lợi cho người lao động khi đóng bảo hiểm xã hội.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Có ý kiến cho rằng, Luật phải đảm bảo bình đẳng giới và quy định như hiện nay là lãng phí chất xám do nhiều cán bộ nữ giỏi, được đào tạo bài bản, còn sức khỏe nhưng hết tuổi lao động. Do đó, nên quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ nên cùng là 60. Tuy nhiên, đối với những trường hợp lao động nặng nhọc thì nam có thể nghỉ hưu ở 55 tuổi, nữ có thể nghỉ ở độ tuổi 50.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) việc quy định tăng thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ /năm lên 360 giờ /năm như dự thảo là không hợp lý và đi ngược lại xu thế tiến bộ của xã hội. Bởi lẽ nếu tăng như vậy, người lao động sẽ chịu sức ép rất lớn, không còn thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm xác định rõ hơn vị trí, vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Về địa vị pháp lý của công đoàn quy định tại Điều 1, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, để Công đoàn thực sự có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn quyền lợi của người lao động khi tham gia Công đoàn, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với thành viên của mình và cơ chế đại diện, bảo vệ người lao động như thế nào chứ không nên chỉ quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn. Đồng thời cũng nên có quy định cụ thể hơn vai trò công đoàn trong các phong trào thi đua, trong các hoạt động văn hóa tinh thần, khen thưởng đề bạt, tôn vinh người lao động. Theo một số ý kiến, việc không có cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động Công đoàn khó khăn và yếu kém. Do vậy, đề nghị nên quy định doanh nghiệp có trên 500 công nhân sẽ phải bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách. Nhiều đại biểu cho rằng, việc giải quyết tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động là hết sức phức tạp. Các cuộc đình công, nghỉ việc tập thể không chỉ cấp chính quyền, cấp cơ sở vào cuộc mà cả cấp tỉnh vào cuộc mới giải quyết được. Vì vậy, đề nghị cần quy định trách nhiệm của Liên đoàn Lao động tỉnh trong phối hợp giải quyết tranh chấp lao động diễn ra ở các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. Đồng thời, quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức giải quyết tranh chấp lao động để tránh đan xen, chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.
Quốc Khang