Tại phiên thảo luận về Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, sửa đổi Bộ luật Dân sự là điều hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền tiếp tục được quy định trong Bộ luật dân sự nhằm thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã bổ sung, làm rõ hơn các quy định có liên quan đến việc áp dụng án lệ, tập quán, áp dụng tương tự pháp luật để Tòa án có thể thực thi nhiệm vụ này.
Tán thành việc sửa đổi Bộ luật Dân sự cần phải tiếp tục tăng cường các cơ chế, biện pháp để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự làm căn cứ Thẩm phán giải quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp là khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận đó là quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật về "Tòa án không được từ chối giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng". Có ý kiến cho rằng, nếu không có điều luật quy định thì Tòa không thể áp dụng tập quán hay lẽ công bằng để xét xử và đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật.
Tuy nhiên, có đại biểu lại cho rằng, quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2, Điều 14) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Quy định này bảo vệ quyền con người, quyền công dân về trách nhiệm của Tòa án trong việc "bảo vệ công lý," phù hợp với Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Thảo luận về đoạn thứ 2, khoản 3, Điều 26 "Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái," nhiều ý kiến không tán thành với quy định này trong dự thảo và cho rằng, quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết. Vì, đại biểu cho rằng việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ tại sao lại đưa quy định giới hạn chữ trong đặt tên vào trong luật để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Thảo luận về quyền xác định lại giới tính, một số ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Bộ luật còn quá chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, cần có điều khoản dẫn chiếu giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế hướng dẫn những trường hợp cụ thể về xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính. Về vấn đề chuyển giới, cần sử dụng thống nhất thuật ngữ "chuyển đổi giới tính" thay cho "chuyển giới" và việc chuyển đổi giới tính chỉ nên công nhận trong những trường hợp nhất định dựa trên các lý do về y học.
Khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: "Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này". Nhiều đại biểu cho rằng: Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.
Ngoài những nội dung trên, tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã cho ý kiến cụ thể về quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu và thời hiệu thừa kế...
Mai Lan