Đa số ý kiến phát biểu đều thống nhất đánh giá việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu khách quan và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến quan điểm trong tái cơ cấu nền kinh tế; vấn đề tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính; tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước; những giải pháp thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế...
Về tái cơ cấu đầu tư công, một số ý kiến cho rằng, trước hết cần rà soát lại xem vùng nào trước đây đã có dự án có thể phát triển được nhưng kinh tế - xã hội còn khó khăn thì Chính phủ nên tiếp tục đầu tư trở lại để gỡ khó cho địa phương. Ngược lại vùng nào có dự án kém hiệu quả thì dứt khoát không đầu tư tiếp và cần xác định rõ, ngành nào cần tập trung đầu tư, cơ cấu vùng nào là trọng điểm để từ đó có cơ chế đặc biệt thúc đẩy đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh.
Đề cập đến việc tái cấu trúc Tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước, nhiều ý kiến nhấn mạnh, khi tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì cần triển khai mạnh mẽ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp Nhà nước phục vụ công ích, còn lại nếu không cổ phần thì cũng phải sáp nhập lại. Ngoài ra, phải tái cơ cấu về thể chế quản lý, cơ chế sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, minh bạch thông tin, trách nhiệm người thay mặt nhà nước quản lý vốn.
Xung quanh vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, một số đại biểu cho rằng, để phát triển thị trường tài chính lành mạnh, trước mắt, cần tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu. Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Đồng thời từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN.
Về định hướng tái cơ cấu đối với nông nghiệp, công nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị cần đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung hình thành vùng sản xuất chuyên canh phải giải quyết những bất cập liên quan đến quản lý và sử dụng đất hiện nay. Dựa trên các động lực thị trường, giao đất theo hướng ổn định, lâu dài cho nông dân trực tiếp sản xuất, khuyến khích nông dân được giao đất liên kết theo phương thức tập thể để tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa để tăng hiệu quả sử dụng đất. Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế đầu tư vào các loại đất chưa đem lại hiệu quả kinh tế như đất trống đồi núi trọc, đất rừng…
Thảo luận về nhóm giải pháp liên quan đến xây dựng chương trình, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, một số ý kiến cho cho rằng, hiện nay định hướng, quy hoạch còn nặng theo ngành và địa phương phục vụ cho các lợi ích ngắn hạn. Vì thế, quy hoạch tổng thể thường bị điều chỉnh, phá vỡ, hiệu quả đầu tư thấp, cơ cấu chuyển dịch không đúng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh. Đề nghị bổ sung giải pháp phát triển kinh tế vùng phải đồng bộ với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên, hình thành mối liên kết giữa các địa phương trong vùng thông qua liên kết ngành và phát huy lợi thế của kinh tế vùng.
Theo một số đại biểu, Đề án còn chưa nêu bật giải pháp tận dụng thời kỳ "cơ cấu vàng" về dân số như một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế.
Việc hiện đại hóa trong nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng lao động trong khu vực nông nghiệp, cần có các giải pháp, chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động dư thừa này. Do đó, đề nghị bổ sung giải pháp về phát triển nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch các khu kinh tế, vùng kinh tế và quy hoạch các trung tâm dạy nghề, các cơ sở đào tạo phù hợp với đặc trưng về tập quán, văn hóa - xã hội của từng địa phương.
Tin, ảnh: Quốc Khang