Đa số các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, với nhiều hành vi nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Báo cáo của Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, nhất là đối với các nguyên nhân xã hội, đồng thời bổ sung một số loại tội danh xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vào Bộ luật Hình sự.
Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình), nguyên nhân tình trạng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong thanh, thiếu niên gia tăng một phần là do vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa thật sự được đề cao. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, bởi đây là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tội phạm. Nâng cao chất lượng các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng, chống tội phạm gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bên cạnh đó cũng cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nghiên cứu tiếp tục nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự.
Một số đại biểu bày tỏ sự lo ngại trước tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng gia tăng, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn xử lý bằng biện pháp hành chính, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đề nghị cần phải xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước.
Ngoài ra Chính phủ cần giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an tiến hành nghiên cứu bài bản về xu hướng, dự báo quy luật của vi phạm, tội phạm về môi trường để đề ra biện pháp phòng, chống, tránh trường hợp chạy theo xử lý vụ việc đã rồi như thời gian vừa qua.
Thảo luận công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nội tại bộ máy chưa hiệu quả, khi mà việc phát hiện ra tham nhũng không xuất phát nhiều từ hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kể cả từ đấu tranh ở nội bộ cơ quan, mà thường do nhân dân tố giác, báo chí lên tiếng.
Bên cạnh đó việc xét xử án tham nhũng thường kéo dài, ban đầu khởi tố với hàng loạt tội danh, sai phạm, nhưng càng về sau tội danh càng thu hẹp lại, đến lúc xét xử thì tuyên án treo, gây suy giảm lòng tin trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Kiến nghị cần rà soát lại toàn bộ cơ chế quản lý nhà nước, khắc phục triệt để cơ chế xin - cho, đi đôi với việc xử lý nghiêm những lãnh đạo, cán bộ vi phạm, nhất là những người lợi dụng chức quyền để vi phạm.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, có ý kiến đề nghị thành lập Ủy ban chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Cục Điều tra phòng chống tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, một số ý kiến đề nghị ngành tòa án, kiểm sát cần tăng cường chất lượng xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm và thực hiện triệt để nguyên tắc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Chỉ nên kháng nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp cần phải thay đổi nội dung bản án cho đúng với pháp luật, còn kháng nghị khác thì không nên, nhằm tránh tiêu cực, mất thời gian.
Ngoài ra ngành tòa án, kiểm sát cần siết chặt hơn nữa kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan thì phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. Những vụ án oan sai cần xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đem lại công lý cho xã hội, đồng thời kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy mỗi khi làm thủ tục tái bổ nhiệm.
Quốc Khang