Đa số các ý kiến đều đánh giá cao Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm qua. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; rà soát, báo cáo tình hình, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm kinh tế, xử lý kịp thời các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công... Các ngành chức năng, công an các cấp đã phát hiện, xử lý hàng triệu trường hợp vi phạm hành chính, kiềm chế tình hình tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp do công tác phòng ngừa còn hạn chế, vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng tội phạm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gia tăng và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do đó, đề nghị Chính phủ cần phân tích và có giải pháp cụ thể cho từng nhóm tội phạm, xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự về chế tài xử phạt đối với tội phạm ở độ tuổi vị thành niên đảm bảo tính răn đe; có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc với các loại tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người.
Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, ngoài việc ban hành chế tài đủ sức răn đe, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quan tâm tăng cường nguồn lực cả về vật chất và con người cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử và tổ chức các đơn vị trấn áp tội phạm như lực lượng 141 tại Hà Nội đã làm trong thời gian qua.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng, tiêu cực ở một số dự án đầu tư công, tại một số Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận. Tuy vậy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; thường xuyên thanh, kiểm tra nội bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đưa ra những giải pháp tích cực để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm và tham nhũng; chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, để công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn cần có cơ chế mở rộng kê khai tài sản những người giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tăng cường giám sát theo hướng công khai minh bạch hơn. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể xem xét thành lập ủy ban điều tra đặc biệt với những người giữ chức vụ cao có dấu hiệu tham nhũng, làm cơ sở để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Quốc Khang