Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 11 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cần Thơ, Phú Thọ và Bình Thuận. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) và đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì buổi thảo luận.
Thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đồng tình với báo cáo của Chính phủ.
Kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, đó là niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới cải cách phát triển của Đảng, Nhà nước. Điều này được thể hiện ở chỗ, Đảng đã ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, có nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Do đó, người dân có niềm tin để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển, từ năm 2016 đến những tháng đầu năm nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Điều đáng mừng là tinh thần kiên quyết, quyết tâm của Đảng, nhà nước lập lại trậ tự, kỷ cương, phép nước. Thể hiện ở chỗ Đảng, Nhà nước đã kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm với tinh thần thượng tôn pháp luật, được người dân ghi nhận, tin tưởng.
Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế thách thức sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cương quyết hơn trong xử lý những vi phạm trong khai thác, quản lý tài nguyên của đất nước, những sai phạm trong quản lý của các cơ quan nhà nước về đất đai...
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần làm tốt công tác quản lý vĩ mô về tài chính, tín dụng, kiểm soát tốt lạm phát. Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chân chính, tránh tình trạng doanh nghiệp ra đời để tận dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi; xem xét kỹ lưỡng các công trình đầu tư BOT một cách công khai, minh bạch, căn cứ vào tình hình thực tiễn, có thể cho một số dự án kéo dài số năm thu phí để hạ mức thu phí, bớt áp lực chi phí cho nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Thảo luận ở tổ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Các đại biểu cũng đã đánh giá, phân tích nhận định về những mặt tích cực, hạn chế và có các đề xuất, kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý, điều hành ngân sách nói chung, công tác quyết toán ngân sách nói riêng.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình khẳng định, dư luận xã hội đánh giá cao tính quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, trong đó có vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn, điều này đặt ra yêu cầu và thách thức đối Chính phủ, Quốc hội cần có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, thời gian qua, Đoàn nhận được nhiều đơn thư của người dân, phản ánh về tình trạng người đã tốt nghiệp Đại học nhưng khó tìm được việc làm. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm giải quyết và nếu như không giải quyết triệt để vấn đề này.
Đồng chí cũng cho rằng, chất lượng đào tạo ở các trường đại học ở tốp 2, đặc biệt là các trường đại học ở địa phương còn hạn chế. Cần có sự kiểm tra, đánh giá để có biện pháp quy hoạch, phát triển các trường đại học tốp 2 và các trường ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nghề, chất lượng lao động còn hạn chế nên lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" chưa được phát huy...
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án và báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương.
Tin, ảnh: Đinh Ngọc