Đa số ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô trong 9 tháng năm 2012, dự báo quý 4 và các giải pháp năm 2012 của Chính phủ. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của nước vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng thể hiện ở việc 10/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch, lãi suất tín dụng giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô chưa thực sự bền vững, nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm, đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống…
Để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, các đại biểu đề nghị nên bắt đầu từ việc giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp như giải quyết hàng tồn kho, khơi thông nguồn vốn, giảm lãi suất tín dụng. Trên lĩnh vực an sinh xã hội, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, người nghèo, bộ đội xuất ngũ và lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chú trọng đầu tư cho công tác y tế dự phòng; nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng; bảo đảm mức chi cho y tế dự phòng ít nhất 30% ngân sách dành cho y tế...
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong chỉ đạo, điều hành và đã giành được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những mục tiêu về an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, nhất là các chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về 5 chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện "sức khỏe" của nền kinh tế nhưng báo cáo chưa phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, do đó đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan trong báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội vào kỳ họp tới để rút kinh nghiệm điều hành cho các năm sau.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ cần tập trung ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng thời có chính sách quản lý chặt chẽ giá cả đầu vào đối với vật tư nông nghiệp, quan tâm đến khâu chế biến, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch, sửa đổi chính sách, thủ tục tín dụng để người nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa và khắc phục tình trạng thiếu lao động ở nông thôn hiện nay.
Ngoài ra, cần tập trung giải quyết hàng tồn kho thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với xây dựng các kênh phân phối hàng Việt đến các vùng nông thôn. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục những bật cập trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, trên cơ sở đó mạnh dạn cắt giảm những dự án trung gian chưa thật cần thiết để dành kinh phí tập trung cho các chương trình đầu tư trực tiếp cho cơ sở và tăng lương theo lộ trình vào tháng 5/2013 cho đối tượng là người có công và cán bộ hưu trí. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu, hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng hóa chất trong chế biến, sản xuất thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cũng trong phiên thảo luận, một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề được các đại biểu quan tâm như xử lý hàng tồn kho; tạm nhập tái xuất xăng dầu; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng các nhà máy thủy điện; cơ cấu lại đầu tư công; xử lý nợ xấu…
Quốc Khang