Đa số ý kiến đều đánh giá cao sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đúng hướng, cơ bản đạt được mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, tuy kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc; cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).
Công tác triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm; cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển. Về tăng bội chi ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại đang có sự sụt giảm của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2012 là 30,5% GDP, năm 2013 khoảng 29,1%), trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu rất lớn, nhất là cùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, do quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nên việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm... cũng phụ thuộc lớn vào đầu tư. Do vậy cần thiết phải mở rộng đầu tư công trong giới hạn cho phép, tiến hành phát hành thêm trái phiếu Chính phủ và nâng bội chi.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị phải có biện pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chỉ ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu, tạo sự thay đổi trong phát triển kinh tế vùng miền. Ngoài ra Chính phủ cũng cần có biện pháp tạo môi trường để thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện giảm dần tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều ý kiến nêu thực trạng hiện nay giá vật tư tăng cao trong khi phân đạm không chuẩn, thuốc trừ sâu giả khá phổ biến, ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của người nông dân không đủ cho chi phí sản xuất kinh doanh, không có tích lũy để tái đầu tư...
Kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả. Đồng thời có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho nông dân như: cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả, thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản…
Cũng theo một số đại biểu, để triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tháo gỡ 2 điểm nghẽn hiện nay là chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp và chính sách thu hút đầu tư vào khu vực sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, đề nghị Chính phủ nên chuyển dần từ hỗ trợ hộ nông dân sang hỗ trợ hợp tác xã để nâng cao năng lực quản trị, đủ sức huy động nguồn lực từ xã viên, doanh nghiệp, vốn tín dụng. Từ đó đa dạng hóa dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp.
Xung quanh tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về cơ chế hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Bởi lẽ với với việc mua lại hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt thực chất chỉ là gạt nợ xấu một cách kỹ thuật và dễ tạo ra tình trạng ảo.
Ngoài ra, có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên dỡ bỏ trần lãi suất và trần huy động để chuyển sang cơ chế thị trường, đồng thời xem xét nới dần tỷ giá để phù hợp tình hình trong và ngoài nước.
Theo một số đại biểu, hiện nay các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, trong khi đó việc giãn, hoãn, khoanh nợ thuế chỉ có tác dụng đối với một số doanh nghiệp đang làm ăn có lãi. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường, miễn, giảm, hoãn, khoanh nợ thuế…
Liên quan đến các chính sách xã hội, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo nâng cao cho lực lượng lao động bị dôi dư hoặc bị thất nghiệp để tìm được việc làm mới.
Trong đó cần cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện mục tiêu lao động đã qua đào tạo, quan tâm hơn nữa đến đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tập trung cao nhất cho việc giải quyết chính sách cho người có công, xem xét điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho người già nghèo, cận nghèo, người già có công với cách mạng.
Quốc Khang