Đa số ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận đều cơ bản nhất trí với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kiên trì điều hành các chính sách kinh tế theo mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời ban hành nhiều giải pháp đúng đắn, kịp thời. Nhờ đó các cân đối lớn bảo đảm, hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định, nguồn kiều hối tăng mạnh, ngoại tệ thặng dư lớn đã gia tăng dự trữ ngoại hối.
An sinh xã hội, phúc lợi xã hội bảo đảm; các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ và có tiến bộ so với năm trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%; thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% trong các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012. Lượng hàng tồn kho bình quân tiếp tục xu hướng giảm nhẹ xuống còn 73,7% nhưng vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm khoảng 65%. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dù được xác định là nhiệm vụ ưu tiên nhưng kết quả triển khai chưa có chuyển biến mạnh mẽ...
Về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giá nông sản trong nước và thế giới liên tục giảm, trong khi các yếu tố đầu vào không giảm cùng chiều làm cho thu nhập thực tế và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn bị suy giảm và tác động tiêu cực đến sức mua chung của thị trường trong nước.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát và đề xuất chính sách đủ mạnh trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính ổn định và tạo yên tâm cho người nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn tiêu thụ hàng hóa và tăng tính cạnh tranh cho nông sản.
Một số đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã bước đầu quản lý có hiệu quả đầu tư công, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ trương đầu tư đến xem xét phân bổ nguồn vốn từng dự án, công trình, từng địa phương... khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, giảm lãng phí. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, tăng cường quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm cắt bỏ những bất hợp lý và xử lý, quy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu khi vi phạm hoặc để xảy ra lãng phí trong từng dự án, từng công trình.
Trên lĩnh vực xã hội, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung xử lý những bất cập về giáo dục, y tế, văn hóa, nhất là việc chọn môn thi tốt nghiệp phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục theo Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Trước tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc Khang