Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đa số ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, nhiều số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong Báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành.
Nhiều đại biểu cho rằng, từ đầu năm đến nay, sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013. Bên cạnh đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện khá cao, trong khi đó hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp lớn gây khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng…
Trên lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã có nhiều tiến bộ song đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Do nguồn lực còn hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, người nghèo, bộ đội xuất ngũ và lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và cần có chính sách hỗ trợ phù hợp các hộ cận nghèo.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong chỉ đạo, điều hành và đã giành được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan của 5 chỉ tiêu không đạt, nhất là những chỉ tiêu phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Ngoài ra, trong năm qua, công tác dự báo còn nhiều hạn chế, không tính hết được những biến động của nền kinh tế, phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhiều lần dẫn đến đối phó bị động, điều hành chưa thống nhất. Những hạn chế yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu Quốc gia chưa được khắc phục; giá vật tư nông nghiệp leo thang gây khó khăn cho người nông dân... Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị trong năm 2013, các giải pháp của Chính phủ cần tập trung ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cụ thể có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, hỗ trợ chế biến sau thu hoạch, đảm bảo đầu ra cho nông sản và đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ nên rà soát lại các Chương trình mục tiêu Quốc gia, mạnh dạn cắt giảm một số bộ phận hợp thành thuộc lĩnh vực chi thường xuyên, những công trình chưa thực sự cần thiết để tiết kiệm khoản chi thực hiện lộ trình tăng lương, đặc biệt quan tâm đến đối tượng hưu trí và người có công. Đồng thời cần quản lý chặt chẽ về công tác thông tin, tuyên truyền xử lý nghiêm những trường hợp thông tin sai sự thật, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, NSNN năm 2012 hụt thu khá lớn ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, đặc biệt, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn thu lớn, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu thu NSNN không đạt dự toán, ảnh hưởng đến cân đối NSNN. Cơ cấu thu NSNN tiếp tục thể hiện tính thiếu bền vững, phụ thuộc vào thu từ khai thác tài nguyên; thu nội địa, thu cân đối xuất nhập khẩu giảm mạnh.
Theo đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình), mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong quản lý thu NSNN nhưng số nợ đọng thuế ở một số địa phương có xu hướng tăng, tình trạng chuyển giá trốn thuế, gian lận thương mại còn diễn ra phức tạp, vì vậy, kiến nghị Chính phủ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, đồng thời, tích cực thu hồi nợ và các khoản giãn thuế theo quy định. Ngoài ra, việc phân bổ, giao dự toán NSNN, thẩm định dự án còn chậm so với yêu cầu, nhất là việc phân bổ, giao vốn trái phiếu chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân, đến tổ chức thực hiện, hiệu quả sử dụng vốn, làm tăng nguy cơ chuyển nguồn.
Việc thực hiện kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng, chi tiêu NSNN còn biểu hiện chưa nghiêm ở mức độ khác nhau, chưa khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, số dự án đầu tư hoàn thành ít, số chuyển tiếp nhiều, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần rà soát, rút gọn các chương trình hỗ trợ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Đồng thời cần làm rõ căn cứ, tiêu chí, cơ sở phân bổ mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch; kiên quyết cắt, giảm một số khoản hỗ trợ chưa được làm rõ căn cứ phân bổ, tính hiệu quả chưa được đánh giá.
Về dự toán chi NSNN năm 2013, một số ý kiến cho rằng, nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, định hướng, căn cứ chi NSNN trong năm 2013 chưa được làm rõ trong Báo cáo của Chính phủ. Vì vậy, trong bối cảnh cân đối NSNN hạn hẹp, đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc ban hành chính sách chi mới, bãi bỏ kịp thời những chính sách chi kém hiệu quả, cơ cấu lại các khoản chi trên tinh thần tiết kiệm, chủ động cắt, giảm những khoản chi chưa thật sự cấp bách.
Xung quanh vấn đề chi cải cách tiền lương, một số ý kiến đề nghị, để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần sớm thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, áp dụng từ 1/7/2013. Nguồn bố trí tăng thêm khi thực hiện phương án này sẽ lấy từ việc tăng thu nội địa, dầu khí và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên.
Tin, ảnh: Quốc Khang