Tổ đại biểu số 16 bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Phú Yên. Đa số ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011. Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn nhưng, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 11 với các giải pháp đúng đắn, kịp thời nhằm tập trung kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa thắt chặt tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ NSNS đồng thời rà soát, sắp xếp và cắt giảm đầu tư công; miễn giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Kết quả là bội chi NSNN cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP, thu ngân sách cả năm đạt 674,5 nghìn tỷ đồng, vượt 13,4% dự toán; cơ cấu thu ngân sách đã có sự chuyển biến dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước, thu nội địa (không kể dầu thô) chiếm 63% tổng thu ngân sách… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn khi Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi ngân sách vẫn vượt dự toán 9,7% tương đương 70.400 tỉ đồng. Điều đó chưa thể hiện được vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đề nghị Chính phủ làm rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển so với dự toán.
Theo đại biểu Đinh Trịnh Hải, đoàn Ninh Bình nguồn thu nội địa tăng cao đã đánh giá đúng thực lực nền kinh tế, nhưng khai thác một số nguồn thu từ các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản… vẫn còn bị thất thoát.
Bên cạnh đó, tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến nhất là các thành phố lớn. Vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật NSNN, Luật Quản lý thuế nhằm tăng cường các biện pháp chống thất thu, đồng thời cần lựa chọn, sàng lọc những công trình có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đối với vấn đề cải cách tiền lương, một số ý kiến cho rằng, hiện nay việc thực hiện đề án cải cách tiền lương còn rất chậm. Mức lương tối thiểu của công chứcvà phụ cấp công vụ còn mức thấp, chưa đảm bảo được yêu cầu của cải cách tiền lương. Đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.
Theo một số đại biểu, các chỉ tiêu an toàn nợ là tham chiếu có ý nghĩa quan trọng, do đó cần phải quy định ngưỡng giới hạn trần nợ công trong trung hạn để tránh cho tài chính Quốc Gia không lâm vào tình trạng khó khăn trước những nguy cơ biến động khó lường của kinh tế thế giới.
Về dự toán chi ngân sách năm 2012, đa số ý kiến nhất chí với Chính phủ cần cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước năm 2012 theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng và hiệu quả cho đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện giảm chi tiêu công ở mức hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, phấn đấu đưa lạm phát về mức một con số.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khiếu nại.
Tin, ảnh: Quốc Khang