Tổ đại biểu số 8 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang. Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến đều đồng tình cao với đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 của Chính phủ. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, tăng lãi suất ngân hàng tập trung dồn dập vào khoảng thời gian ngắn trong những tháng đầu năm 2011 đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi đó sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, gây tâm lý không tích cực cho người tiêu dùng, đã gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều hàng hóa khác. Đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn hoặc có nguy cơ đình hoãn. Đại biểu đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát, đi đôi với việc thực thi chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng việc thực hiện gói kích cầu chủ yếu vẫn đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn, một phần nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lại được đầu tư vào khu vực phi sản xuất… Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tiến hành đánh giá toàn diện tác động của gói kích cầu làm cơ sở tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm. Bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cũng cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu, do chính sách tiết kiệm đầu tư công, nhiều công trình bị chậm tiến độ, kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực, xem xét điều chuyển, bổ sung vốn cho các dự án thực sự cấp thiết theo nguyên tắc vừa giảm tổng vốn đầu tư để kiểm soát lạm phát vừa bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nêu hiện tượng bạo lực học đường hiện nay rất đáng báo động, đạo đức lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên xuống cấp, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tổng thể tăng cường công tác quản lý, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh, sinh viên…
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe và thảo luận Tờ trình về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tin, ảnh: Quốc Khang