Đa số ý kiến đều cho rằng trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là "tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012" và "bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội". Dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong 3 năm qua, các cân đối lớn của nền kinh tế đạt kết quả tích cực hơn. Hệ số ICOR giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy chất lượng đầu tư phát triển đã có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Tình trạng sụt giảm mạnh cả về giá và số lượng tiêu thụ, nhất là các sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân và tổng cầu của nền kinh tế. Nợ xấu, nợ đọng trong nền kinh tế ở mức cao. Vấn đề y đức trong ngành y tế gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đời sống một bộ phận công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay là do đã quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong 3 năm qua và thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng. Tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn là kết quả tất yếu vì tổng cầu bị thu hẹp và kéo dài gần 3 năm.
Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ cần có sự thay đổi định hướng chính sách theo hướng trong khi đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh thì phải tăng tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước sớm phục hồi tổng cầu, khi đầu tư tư nhân phục hồi sẽ có lộ trình giảm đầu tư nguồn vốn nhà nước. Về các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2014, nhiều ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%...
Để thực hiện mục tiêu đó, Chỉnh phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm. Điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản…
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành này có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.
Để từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất từ số lượng sang chất lượng, trong đó cần đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật nhất là công gel, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách cho chuyển đổi từ trồng lúa năng suất, giá trị thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Theo một số đại biểu, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình trạng dàn trải, hiệu quả thấp gây lãng phí trong đầu tư công vẫn còn khá phổ biến, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu đầu tư công kết hợp chặt chẽ với quy hoạch và tầm nhìn dài hạn, khắc phục triệt để, thực chất tình trạng đầu tư dàn trải và lợi ích cục bộ; dành nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các mục tiêu an sinh xã hội.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) thì tình trạng nợ xấu là cản trở lớn cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên giải quyết nợ xấu còn lúng túc và bộc lộ nhiều hạn chế. Để góp phần khơi thông dòng tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu đề nghị cần hạn chế tối đa các nguy cơ đối với nền kinh tế từ việc sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; tăng cường trích đủ mức dự phòng rủi ro và nâng cao hoạt động hiệu quả công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) phát biểu tại buổi thảo luận.
Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường vốn một cách bền vững để giảm dần sự phụ thuộc vào vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại, tránh bị ảnh hưởng quá lớn khi có sự thay đổi điều hành chính sách tiền tệ.
Trên lĩnh vực an sinh xã hội, một số đại biểu đề xuất giảm bớt đầu mối, bộ máy quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội; tăng cường lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm với các hoạt động tín dụng chính sách góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tin, ảnh: Quốc Khang