Về 13 chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội chỉ nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng. Các chỉ tiêu cụ thể còn lại giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH của địa phương, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp. Ngoài ra cần bổ sung thêm chỉ tiêu đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, bởi vì, đất rừng sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong đất lâm nghiệp (gần 50%), ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối ngoài mục đích kinh tế, còn có ý nghĩa quan trọng về ổn định xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam đã thay đổi (lương thực ít đi, thực phẩm tăng lên) thay vào đó nhu cầu sử dụng lương thực cho chăn nuôi (để sản xuất thực phẩm) ngày càng cao. Do đó, cần phải tính toán cả nhu cầu lương thực và thực phẩm để dự tính đất cho sản xuất lương thực, nhất là đất trồng lúa. Đề nghị giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn và một phần dành cho xuất khẩu.
Về nhóm đất phi nông nghiệp, đại biểu Đinh Trịnh Hải (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt rất thấp chỉ khoảng 46%, trong khi đó kế hoạch sử dụng đất cho sản xuất công nghiệp đến 2015 lại tăng từ 72 nghìn ha lên 150 nghìn ha là quá nhanh, dẫn đến tình trạng hoặc không đạt kế hoạch hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Đề nghị việc quy hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp cần dựa trên cơ sở lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng, không nên đầu tư dàn trải, theo địa giới hành chính. Bên cạnh đó, quy hoạch các khu công nghiệp cần dự trù nhu cầu tăng theo của các loại đất khác, như: đất ở đất giao thông, đất cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Theo một số đại biểu, quy hoạch đất ở đô thị hiện nay còn có sự trùng lắp, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, trong đó có khu đô thị. Kiến nghị việc quy hoạch các khu đô thị phải căn cứ vào mức độ phát triển KT- XH, khả năng tài chính của nhà đầu tư, thu nhập và nhu cầu của người dân, đảm bảo cân đối cung cầu, chống đầu cơ. Đầu tư phát triển khu đô thị phải đồng bộ, đảm bảo quan hệ hợp lý giữa diện tích xây dựng với diện tích cơ sở hạ tầng, diện tích cây xanh, đảm bảo điều kiện sinh hoạt của dân cư.
Thảo luận về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, hầu hết các ý kiến đều thống nhất nhận định, qua 13 năm triển khai Dự án, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng, phát triển rừng của các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt. Trữ lượng gỗ cả nước đã tăng lên mức 935,3 triệu m3, trong đó trữ lượng gỗ rừng trồng là 74,8 triệu m3. Nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván nhân tạo... đã được tạo dựng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho số lượng lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc, góp phần phát triển KT- XH, củng cố an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng diễn ra phức tạp, việc chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình), một trong những nguyên nhân của tình trạng người dân chưa thiết tha với bảo vệ, chăm sóc rừng là do cơ chế chính sách cón nhiều bất cập. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát đất đai, quy hoạch lâm nghiệp, ổn định công tác giao đất, giao rừng. Đồng thời tiếp tục đổi mới mô hình quản lý từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) có cơ chế, chính sách cụ thể nhất là hỗ trợ tín dụng, KHKT cho người trồng, bảo vệ rừng.
Tin, ảnh: Quốc Khang