Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận tại tổ đại biểu gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Phú Yên. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ đánh giá trong những tháng đầu năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nên tình hình KT-XH đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng và lãi suất ngân hàng giảm dần những tháng gần đây, xuất khẩu dự kiến cả năm cao hơn 10% so với Nghị quyết của Quốc hội. Nhập siêu, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, đó là lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng cao kìm hãm sự hoạt động của doanh nghiệp, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, cùng những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành cần phải được tập trung khắc phục trong thời gian tới. Theo một số đại biểu, lạm phát của Việt Nam đang đứng ở mức cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân ở khu vực nông thôn và người có thu nhập thấp. Nhiều người từ nông thôn ra thành thị nhưng không tìm kiếm được việc làm vì nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp giảm tỷ lệ lạm phát xuống dưới 10%, tạo mặt bằng lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì ổn định và phát triển sản xuất. Trong năm 2012, Chính phủ cần sớm có hệ thống chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hợp lý, có tính tập trung để phù hợp với điều kiện tài chính nước ta. Khi nguồn lực tài chính còn hạn chế thì không nên hỗ trợ cào bằng mà cần chọn lọc những đối tượng sẽ có tác động rộng để hỗ trợ, từ đó, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn Ninh Bình, hiện nay việc quản lý đầu tư công còn lỏng lẻo, trong khi đó đầu tư công về hạ tầng ở khu vực nông thôn còn khá dàn trải, manh mún, chưa hiệu quả. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời có giải pháp nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, đi đôi với xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp luật thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia vào những công trình, dự án công.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 là tái cấu trúc nền kinh tế. Thống nhất với báo cáo của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tập trung tái cấu trúc đầu tư công dựa trên 2 nguyên tắc: Đầu tư vào đâu có thể tạo ra nguồn thu và đầu tư mang tính "mồi" để khơi nguồn lực… Hơn thế nữa cần xây dựng lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; rút dần nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư), bất động sản và chấm dứt chậm nhất vào năm 2015.
Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải thực hiện ngay theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống, giảm dần tỷ trọng dư nợ tín dụng so với GDP; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn nhằm ngày càng minh bạch kết quả hoạt động và tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn để có kỹ năng cần thiết khi chuyển sang làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh đào tạo mới và đào tạo lại để nâng cao năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế…
Trên lĩnh vực an sinh xã hội, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục củng cố mạng lưới an sinh xã hội với các nội dung: An sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Tuy nhiên, cũng cần có những điều chỉnh hợp lý nhằm giải quyết những bất cập hiện nay, như việc xem xét lại 12 chương trình mục tiêu Quốc gia đang thực hiện, cần tách khoản ngân sách cấp cho các chương trình này ra khỏi nguồn vốn ngân sách cấp cho các Bộ để việc quản lý và giám sát hiệu quả hơn.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ nên bổ sung thêm nhóm giải pháp: phong cách và sự gương mẫu của người đứng đầu; kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm nguồn lực cán bộ; giải quyết các khiếu nại, tố cáo tồn tại kéo dài nhiều năm; thu hồi từ những địa chỉ cụ thể mà Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.
Quốc Khang