Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền trong thời điểm hiện nay là cần thiết vì Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, tự do hóa giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa các giao dịch vốn nên mức độ kiểm soát đối với các giao dịch chuyển tiền quốc tế đã được nới lỏng hơn. Mặt khác, việc ban hành luật cũng đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và nhiệm vụ hàng đầu kiềm chế lạm phát mà Đảng, Nhà nước đang quyết liệt thực hiện.
Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, một số đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật không quy định cụ thể mà chỉ quy định có tính nguyên tắc giao dịch có giá trị lớn và giao cho ngân hàng Nhà nước quy định mức cụ thể là chưa hợp lý bởi lẽ, có nhiều trường hợp giao dịch với giá trị lớn không hẳn đã là rửa tiền, trong khi đó giao dịch với giá trị nhỏ nhưng thực chất lại là rửa tiền. Mặt khác nếu quy định tiêu chí "giá trị lớn" thì khách hàng sẽ chia tài sản có giá trị lớn ra thành nhiều khoản nhỏ để giao dịch, khi đó việc phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bỏ sót các hành vi này. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong Luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, hoặc giao Thủ tướng Chính phủ quy định, thay vì giao Ngân hàng Nhà nước quy định.
Theo một số đại biểu, việc dự thảo quy định nhiều biện pháp như: nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo về giao dịch giúp kiểm soát hoạt động rửa tiền là cần thiết, song cũng cần bảo đảm không xâm hại đến các quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và luật có liên quan.
Đối với các biện pháp chống rửa tiền, Dự thảo Luật mới chủ yếu tập trung quy định về "phòng ngừa" rửa tiền. Nội dụng "chống rửa tiền" chưa tương xứng, chưa đủ điều lượng. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định về chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành Chương về xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng chống rửa tiền trong Luật tương tự như quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.
Thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đa số đại biểu đều thống nhất về tính cần thiết phải ban hành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và mỗi người dân trong việc thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân. Đối với quy định in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá tại Điều 14, một số đại biểu cho rằng, đây cũng là biện pháp tuyên truyền rất hiệu quả cho hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện nay một số nước đã quy định diện tích in cảnh báo chiếm 60-80% trên vỏ bao thuốc lá. Vì vậy, nên quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, được thay đổi định kỳ, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá. Nhiều ý kiến tán thành việc xây dựng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, mức trích bằng 2% trên giá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, vì quy định như vậy thể hiện tính minh bạch, rõ ràng, dễ kiểm soát thu chi, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đối với các quy định về bán thuốc lá, đại biểu Đinh Thị Mỹ Ngọc (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, các quy định tại Điều 25 còn khá chung chung và thiếu tính khả thi, đề nghị cần bổ sung vào khoản 2 là không được bán thuốc lá tại các tất cả các địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Đồng thời cần cấm hút và bán thuốc lá trong vòng bán kính 500 m ở một số khu vực ngoài trời đặc thù như cổng trường học, cổng bệnh viện... Bên cạnh đó, nên quy định về trách nhiệm của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở trong việc xử lý hành vi hút thuốc lá trái quy định để hướng tới mục đích giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, giảm chi phí cho xã hội.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Chương trình mục tiêu Quốc Gia 5 năm 2011-2015 và thảo luận về dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Quốc Khang