Các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập với thế giới. Về kỹ thuật lập hiến, nhiều đại biểu cho rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc, vì vậy ngôn từ cần ngắn gọn, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp nhân dân, các quy định không mập mờ hoặc quá hàn lâm.
Bên cạnh đó, các quy định của Hiến pháp phải có tính khả thi cao, không nên sử dụng quá nhiều quy định có những cụm từ "theo quy định của luật" hoặc "do pháp luật quy định" vì sẽ làm giảm hiệu lực tối cao đối với các quy định của Hiến pháp.
Về các quy định tại Điều 4, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình cao việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Đối với các quy định tại Khoản 2, Điều 8, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo chỉ quy định về nền hành chính và chế độ công vụ là thu hẹp phạm vi so với quy định của Hiến pháp hiện hành. Bởi lẽ không chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước mới được tổ chức để phục vụ nhân dân mà tất cả các cơ quan nhà nước nói chung đều có trách nhiệm này.
Do vậy, kiến nghị cần quy định theo hướng các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, lời nói đầu của Hiến pháp là cần thiết, tuy nhiên lời nói đầu của Dự thảo nên sửa đổi theo hướng ngắn gọn và súc tích hơn, nêu khái quát truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và Nhà nước gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.
Khoản 2, Điều 2 nên thay cụm từ "mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" bằng cụm từ "dựa trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc" nhằm khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với quy định về lực lượng vũ trang (Điều 70), đại biểu cho rằng, lực lượng vũ trang của nước ta do Đảng thành lập và rèn luyện, để khẳng định bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang, cần quy định rõ trong Hiến pháp nghĩa vụ trung thành với Đảng của lực lượng vũ trang. Do đó đề nghị giữ nguyên như Dự thảo là "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…".
Liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận để làm nổi rõ tính gắn kết trong mối quan hệ giữa các tổ chức này, phản ánh đặc thù của hệ thống chính trị ở nước ta.
Đối với các các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương 2, một số ý kiến kiến nghị Dự thảo cần bổ sung các quy định bảo đảm tính hiện thực, khả thi của các quyền.
Liên quan đến tên nước, đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đại biểu thì tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Về tính chất HĐND, có ý kiến đề nghị cần phải quy định HĐND là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như Hiến pháp năm 1992. Vì HĐND là cơ quan do nhân dân ở địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.
Ý kiến khác cho rằng, không nên quy định tính chất quyền lực của HĐND, vì có thể dẫn đến cách hiểu về sự phân tán của quyền lực nhà nước, không phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất trong tổ chức bộ máy Nhà nước ta.
Tin, ảnh: Quốc Khang