Đa số các ý kiến tại buổi thảo luận đều thống nhất nhận định, dự thảo Luật Quảng cáo đã cơ bản đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết hiện nay trong việc quản lý lĩnh vực quảng cáo.
Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng hiện nay trên báo chí phần quảng cáo quá nhiều, thậm chí ở một số tạp chí, quảng cáo có dung lượng lớn hơn nội dung, thời lượng quảng cáo trên truyền hình lớn, nhiều quảng cáo mang nặng yếu tố nước ngoài… nhưng trong dự thảo Luật Quảng cáo còn thiếu những nội dung cụ thể điều chỉnh các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt. Đề nghị cần phải quy định rõ hơn các chế tài xử lý với cả tổ chức và cá nhân vi phạm nhằm ngăn ngừa những hình thức quảng cáo lộn xộn, trái với thuần phong mỹ tục, đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, đặc biệt phải có quy chế hậu kiểm để xử lý vi phạm.
Theo một số đại biểu, việc quy định vùng quảng cáo không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang như trong dự thảo Luật là khó khả thi đối với báo điện tử do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan truyền thông không thể tự thẩm định chất lượng sản phẩm, vì vậy dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về việc tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời nên quy định Bộ Thông tin - Truyền thông là cơ quan quản lý về quảng cáo trên báo chí.
Đối với Dự thảo luật Giáo dục Đại học, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật còn không ít hạn chế như vẫn chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng về phân tầng cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Mặt khác, những quy định căn bản liên quan đến việc thẩm định chất lượng các trường đại học cũng chưa rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy như khuyến khích sự phát triển các các loại hình giáo dục đại học, nhưng không đảm bảo chất lượng.
Theo một số đại biểu, việc xã hội hóa giáo dục và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết khi mà ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này không thể bao cấp đủ. Tuy nhiên, việc kêu gọi tổ chức, cá nhân mở trường dạy theo chương trình nước ngoài cần được kiểm tra sát sao. Bởi lẽ mô hình học tập, chất lượng giáo dục nước ngoài có thể không phù hợp với nước ta hoặc áp dụng vào nước ta một cách hạn chế.
Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc hiện nay, nước ta có quá nhiều trường Đại học được thành lập nhưng chất lượng thì rất khó kiểm soát. Về vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường Đại học, có ý kiến cho rằng, giao quyền tự chủ là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm hình thành môi trường và không gian sáng tạo, phát triển cho các trường Đại học. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ cũng cần có lộ trình cụ thể và phải dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các trường. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật phòng, chống rửa tiền; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Quốc Khang