Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 108 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và xử lý người có hành vi tham nhũng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.
Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48) nhiều ý kiến cho rằng, kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng kê khai, minh bạch tài sản hình thức, ngoài việc mở rộng phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập Luật cần bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chuỗi tài sản của người kê khai từng bước kiểm soát nguồn tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, người có nghĩa vụ phải kê khai.
Liên quan đến quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 47), theo một số đại biểu, việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác nhạy cảm như: hải quan, thuế, kiểm toán, quản lý thị trường… là cần thiết, nhưng để khắc phục những vướng mắc hiện nay thì bên cạnh việc mở rộng phạm vi những đối tượng cần chuyển đổi, cần xác định cụ thể hơn về điều kiện, thời hạn, cách thức chuyển đổi đối với từng vị trí; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý đối với việc thực hiện các quy định về chuyển đổi để bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn chung chung và chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đặc biệt tại các khoản 1, khoản 3 (Điều 68) và (khoản 1) Điều 72. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp như hiện nay.
Theo đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các điều từ 13 đến 15 của Dự thảo Luật quy định về công khai, minh bạch chưa rõ ràng, kiến nghị cần phải quy định cụ thể là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, quản lý tài nguyên khoáng sản, các khoản thu từ thuế… Đồng thời phải bổ sung các quy định về nội dung hoạt động, thông tin, tài liệu nào phải được công khai; thời gian công khai đối với mỗi loại hoạt động; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công khai cũng như xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không công khai hoặc công khai không đúng với tinh thần và nội dung của Luật.
Tiếp cận ở góc độ khác, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, Dự thảo Luật liệt kê khá nhiều hình thức công khai nhưng lại quy định hình thức công khai do thủ trưởng cơ quan quyết định là chưa hợp lý, bởi lẽ trong thực tế nhiều nơi thường chọn hình thức công khai dễ nhất là tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kể cả những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo nên quy định rõ nội dung nào phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát. Ngoài ra, để phòng, chống tham nhũng hữu hiệu, cần bổ sung quy định cho phép Công an được sử dụng các nghiệp vụ đặc biệt trong công tác điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng.
Một số đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Điều 37) là một khái niệm hoàn toàn mới trong quan hệ hành chính và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa làm rõ nội hàm, bản chất của mối quan hệ này, nhất là chưa quy định về căn cứ, yêu cầu, điều kiện của việc giải trình; cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu giải trình; trách nhiệm của người giải trình cũng như việc sử dụng kết quả giải trình; nội dung, cách thức tiến hành, thời hạn và hậu quả pháp lý của việc giải trình… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ những nội dung trên và cần quy định cụ thể quyết định, hành vi nào phải giải trình, người chịu trách nhiệm giải trình ngay trong Luật, không nên quy định chung chung rồi giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Tin, ảnh: Quốc Khang