Đa số các ý kiến đều thống nhất nhận định, qua gần 10 năm thực hiện, Luật đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng… Vì vậy, luật cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên và tạo điều kiện thúc đẩy KT- XH phát triển.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã rất quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai ở cơ sở. Do đó đề nghị dự thảo cần tiếp tục quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 04 cấp như Luật đất đai hiện hành. Ngoài ra, đất đai là tài nguyên hữu hạn nên không thể đáp ứng đủ theo nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng của các ngành, lĩnh vực, do đó, cần bổ sung quy định quy hoạch sử dụng đất phải tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất và khi gia tăng nhu cầu sử dụng đất thì các ngành, lĩnh vực phải áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số sử dụng đất.
Về cơ chế thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, riêng đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi... thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai; đất sử dụng cho các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. Liên quan đến các quy định về hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất (các điều 65, 66 và 67), đa số ý kiến tán thành quy định việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển KT- XH thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo một số đại biểu, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không nên chỉ định giá đất theo thời hạn sử dụng đất bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất thì sẽ không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất, nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước, vì phần này không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra. Về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 104), nhiều ý kiến cho rằng, đất đai là loại tài sản đặc biệt, việc đấu giá quyền sử dụng đất thực chất là thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức cạnh tranh về giá. Vì vậy, dự thảo cần bổ sung quy định về tổ chức có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất, còn trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Liên quan đến quy định về thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân (Điều 111), một số đại biểu đề nghị quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là 50 năm vì thời hạn này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ý kiến khác cho rằng, việc quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn, đề nghị nên giao đất nông nghiệp không thời hạn.
Đối với quy định về hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (Điều 114 và Điều 115), đa số ý kiến cho rằng, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, gắn bó mật thiết với người nông dân, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ổn định đời sống, tạo việc làm, ổn định xã hội. Do đó, cần thiết quy định hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nhằm khuyến khích ứng dụng KHKT nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế tích tụ đất đai quá lớn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dự thảo cần nâng hạn mức giao đất trồng cây hàng năm lên đến 5 ha và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất.
Trước đó trong phiên họp buổi sáng tại tổ, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tin, ảnh: Quốc Khang