Đa số ý kiến đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Về các vị trí có quân hàm cấp tướng, một số ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…), đối với một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không nên quy định có cấp Tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.
Mặt khác cần phải bảo đảm nguyên tắc đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định cấp trưởng có cấp bậc hàm cao hơn cấp phó một bậc đối với sĩ quan cấp tướng để vừa bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy, vừa bảo đảm cơ cấu đội ngũ sĩ quan cấp tướng.
Về chủ trương tách lương khỏi quân hàm của sĩ quan, đa số ý kiến tán thành với chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm. Bởi lẽ việc tách lương khỏi quân hàm sẽ bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ sĩ quan, đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo một số đại biểu việc dự thảo quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức vụ như Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (tại điểm b, Khoản 1, Điều 25) là chưa phù hợp với Khoản 3, Điều 98 của Hiến pháp, theo đó thẩm quyền của Thủ tướng chỉ "bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ".
Do đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định đối với các chức vụ phó Tổng tham mưu trưởng, phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu, Quân chủng, … quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 25 nên giao thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Góp ý vào dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ địa vị pháp lý việc quy định công dân phục vụ có thời hạn trong CAND, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về nghĩa vụ của công dân và thực tiễn về tuyển dụng, chế độ phục vụ, chính sách đối với lực lượng này hiện nay.
Tuy nhiên ý kiến khác cho rằng đối tượng công dân phục vụ có thời hạn trong CAND cần được áp dụng các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và chế độ chính sách theo Luật nghĩa vụ quân sự, do vậy nên nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự theo hướng quy định trong các đơn vị CAND có công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân, đa số ý kiến bày tỏ sự tán thành quy định nhiệm vụ chung cho lực lượng CAND như dự thảo Luật và cho rằng, xét về mặt lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay thì ranh giới để phân biệt nhiệm vụ an ninh, tình báo, cảnh sát chỉ là tương đối.
Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong dự thảo Luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm qua triển khai thực hiện Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân biệt và làm rõ chức năng của Bộ Công an với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ của lực lượng CAND với vai trò là lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm…
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về địa vị pháp lý của lực lượng Công an xã trong dự thảo Luật chưa rõ ràng. Bởi lẽ, tại Điều 16 của dự thảo Luật quy định lực lượng Công an xã nằm trong hệ thống tổ chức của CAND, nhưng tại Điều 4 về vị trí của CAND lại xác định CAND gồm lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân mà không có Công an xã.
Ngoài ra, tại Điều 15 (Nhiệm vụ và quyền hạn của CAND) cũng chưa có quy định về nhiệm vụ của CAND đối với lực lượng Công an xã. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Công an xã cho phù hợp, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho lực lượng này triển khai thực thi công vụ.
Buổi chiều, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tập trung vào vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; vấn đề cân đối thu-chi ngân sách Nhà nước, kỷ luật tài khóa; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân. Vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn…
Quốc Khang