Đa số các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật của xã hội và cá nhân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền được tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình), dự thảo Luật còn tập trung nhiều vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật (văn bản pháp luật) tới người dân. Đề nghị cần bổ sung các quy định về quyền tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của người dân đối với việc học tập, tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, để luật thực sự tạo nên đột phá cho nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong toàn dân, cần phải đưa phổ biến, giáo dục pháp luật vào hệ giáo dục phổ thông ngay từ cấp mầm non. Tùy từng cấp học, lớp học khác nhau mà có thể thực hiện giáo dục pháp luật thông qua môn học giáo dục công dân hoặc lồng ghép trong các môn học khác như: kể chuyện, đạo đức, tiếng việt, lịch sử...
Đối với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật,một số ý kiến cho rằng, trong thực tế không phải cứ có kiến thức pháp luật là chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chủ quan của mỗi cá nhân. Tình trạng buông xuôi, chấp nhận tiêu cực, vi phạm pháp luật để "được việc" vẫn còn xảy ra. Do đó, đề nghị cần bổ sung nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm cả ý thức chấp hành pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh trước các hành vi vi phạm pháp luật, ý thức bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình), cho rằng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì cần phải đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác này. Vì vậy, Dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy việc xã hội hóa, nhất là có các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể cho hoạt động giáo dục pháp luật, đề cao vai trò của MTTQ và các tổ chức xã hội, quan tâm đến chế độ cho cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Xung quanh Dự thảo Luật Giá, nhiều đại biểu nhận xét dự thảo mới chú trọng thủ tục hành chính bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký giá bán, giá mua, niêm yết giá bán mà không có chế tài xử lý hành vi vi phạm. Đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung các biện pháp giải quyết những bất cập mới nảy sinh trong lĩnh vực giá như: cơ chế kiểm soát giá đấu thầu, giá hiệp thương, giá nội bộ, thủ thuật chuyển giá nội bộ nhằm trốn thuế.
Bên cạnh đó, Luật cần xác định rõ danh mục hàng bình ổn giá, quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước với bình ổn giá, quản lý chặt kênh phân phối tránh tình trạng lũng đoạn, làm giá. Theo một số đại biểu, để bảo đảm tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế, đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định NSNN, đời sống nhân dân thì Nhà nước nhất thiết phải định giá, kiểm soát và điều tiết như: đất đai, tài nguyên, điện, xăng dầu...
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá. Kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng do Nhà nước định giá. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Quốc Khang