Đồng thời thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự án luật, bởi lẽ hiện nay một số địa phương đang triển khai làm chứng minh nhân dân theo mẫu mới. Nếu Luật căn cước công dân được thông qua, lại phải tiến hành thay chứng minh nhân dân vừa tốn kém lại vừa gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo quy định mẫu thẻ căn cước của công dân ghi cơ quan cấp là Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, vậy sau này người dân có nhu cầu cấp lại thẻ sẽ làm thế nào, công an huyện, công an tỉnh có được ủy quyền cấp không?
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đồng ý với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ và đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với người không quốc tịch hiện đang cư trú tại Việt Nam, vì theo tinh thần các quy định của Hiến pháp, tuy không phải là công dân Việt Nam nhưng người không quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam được pháp luật bảo đảm quyền tự do cư trú, đi lại và các quyền cơ bản khác, đồng thời Nhà nước cũng phải thực hiện quản lý đối với những người này.
Về cơ sở dữ liệu căn cước công dân, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cũng như mối quan hệ giữa việc cấp chứng minh nhân dân với việc thực hiện cấp số định danh cá nhân và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan để bảo đảm thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật.
Về nội dung của thẻ căn cước công dân, có ý kiến cho rằng, mục đích ban hành thẻ căn cước công dân là tạo thuận lợi cho công dân, tiện lợi trong quản lý, tạo sự tương tác giữa công dân và Nhà nước.Vì vậy đề nghị cần bổ sung thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng và sinh học khác được quy định trong dự luật để phân biệt người này, người khác. Ví dụ cần có thông tin về nhóm máu, vân tay… Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng việc đưa thông tin về nhóm máu là không khả thi vì việc lấy nhóm máu của 90 triệu dân không đơn giản và như vậy sẽ không đảm bảo tính bí mật đời tư.
Theo một số đại biểu, việc dự thảo quy định "chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên" là chưa phù hợp, bởi vì thực tế hiện nay ngoài chứng minh nhân dân còn có nhiều loại giấy tờ khác (hộ chiếu, giấy chứng minh sĩ quan Quân đội và Công an nhân dân, thẻ công chức, viên chức, thẻ học sinh, chứng minh nhân dân biên giới…), nếu xác định chứng minh nhân dân là giấy tờ "duy nhất" sẽ có thể dẫn đến các loại giấy tờ trên mất tác dụng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, viên chức…
Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi để thực hiện cho được mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân; Ban soạn thảo làm rõ nguồn kinh phí triển khai Dự án Luật lấy từ đâu. Bởi thực tế vừa qua, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành đúng nhưng khi triển khai không có kinh phí nên không đi vào cuộc sống, nhiều quy định khi triển khai không khả thi, gây phiền hà cho người dân.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Quốc Khang