Hầu hết các ý kiến tại buổi thảo luận đều nhất trí cao với việc cần ban hành Luật BHTG nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động BHTG, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ và cụ thể quyền và trách nhiệm của người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG. Để thực hiện mục tiêu là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của người gửi tiền, các tổ chức tín dụng, BHTG Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Liên quan đến loại tiền gửi được bảo hiểm, nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý khác.
Theo một số đại biểu, mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Do đó, luật chỉ nên quy định việc bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức.
Thảo luận về Luật tài nguyên nước (sửa đổi), đa số ý kiến đều thống nhất nhận định, sau 12 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung như chưa quy định đầy đủ, toàn diện về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; sử dụng nước tiết kiệm… Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu cho rằng, Luật cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Tuy nhiên, cần quy định bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc xung đột với các luật, pháp lệnh có liên quan. Bên cạnh đó, Luật cũng cần điều chỉnh nước biển ven bờ, vì đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người.
Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước, nhiều ý kiến tán thành quy định giao UBND cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương phân cấp, và sự quản lý nhà nước thống nhất trong cả nước. Đồng thời cần bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nước của tổ chức, cá nhân.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật quảng cáo; Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tin, ảnh: Quốc Khang