Đa số ý kiến đánh giá cao Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong thời gian qua tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp do công tác phòng ngừa còn hạn chế. Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn chưa tương xứng với tình hình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tình trạng tội phạm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gia tăng và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), tình trạng tội phạm ở độ tuổi vị thành niên đã đến mức báo động, nguyên nhân sâu xa một phần là do công tác giáo dục pháp luật, nhân cách, lối sống đối với thanh thiếu niên trong nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội chưa được quan tâm đúng mức... Vì vậy đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội, đồng thời sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự, bổ sung các quy định về tuổi của trẻ vị thành niên phạm tội nhằm nâng cao tính răn đe...
Về công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng năm 2012, công tác này đã đạt được một số kết quả tích cực, song tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; thường xuyên thanh, kiểm tra nội bộ nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng. Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đưa ra những giải pháp tích cực để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm và tham nhũng; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đặc biệt chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thủ đô; Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô và một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương 28 điều quy định vị trí, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn đối với các quy định về thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật; mức xử lý vi phạm hành chính; mức thu một số loại phí… có nhiều điểm chưa phù hợp có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ sự cần thiết phải có tới 20 cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô. Đối với dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi), các ý kiến tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến thành lập Nhà Xuất bản; tổ chức, nhân sự của Nhà Xuất bản; liên kết xuất bản; xuất bản điện tử; in, phát hành xuất bản phẩm; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản…
Quốc Khang